Gần 4 năm qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào EU (Liên minh châu Âu) do tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài.
Để góp phần cùng với cả nước nhanh chóng gỡ “thẻ vàng” của EC, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đã triển khai hàng loạt giải pháp và đạt hiệu quả tích cực.
Nhiều năm không vi phạm
Nếu như thời điểm năm 2018, tỉnh Bình Thuận từng là “điểm nóng” về tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài thì đến nay, tình trạng này từng bước được ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ triệt để. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, để thay đổi từ nhận thức đến hành vi của ngư dân trong công tác phòng chống IUU, địa phương đã triển khai linh hoạt nhiều biện pháp, kết hợp vừa tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, vừa thực hiện các biện pháp chế tài gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Đến nay, tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ở tỉnh đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; 94% tàu cá với hơn 18.000 tàu đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Đồng thời, các địa phương đã lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao, thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận Huỳnh Quang Huy cho biết, đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, ngoài xử phạt hành chính theo khung pháp luật quy định, còn áp dụng hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, đưa ra khỏi danh sách đăng ký hoạt động trên vùng biển xa và dừng tất cả các chính sách hỗ trợ đối với tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, hơn 2 năm qua, tỉnh Bình Thuận không xảy ra vụ việc tàu cá, ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Ngư dân Nguyễn Quốc Bảo (ngụ phường Đức Long, TP Phan Thiết) chia sẻ: “Trước kia, ngư dân thường tự ý ra khơi, trên tàu thiếu thiết bị giám sát nên rất dễ xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi lắp đặt VMS tàu cá, tuân thủ các cam kết, ghi nhật ký khai thác với đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm khai thác và sản lượng cụ thể theo từng chủng loài nên việc khai thác ngày một chuyên nghiệp, hiện đại và an toàn hơn”.
Tại tỉnh Ninh Thuận, công tác chống IUU cũng đã mang lại tín hiệu rất lạc quan. Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Khắc Lâm, việc tuyên truyền, đối thoại với các chủ tàu cá, ngư dân để chung tay chống IUU luôn được địa phương đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, địa phương buộc các chủ tàu cá lắp đặt VMS, ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài và nộp nhật ký khai thác để quản lý hiệu quả các hoạt động khai thác trên biển.
Theo thống kê, đến nay, tỉnh có 728/775 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt VMS, đạt gần 94%. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt nên đến thời điểm này, tỉnh Ninh Thuận không có tàu cá vi phạm quy định IUU và chưa có lô hàng thủy sản nào yêu cầu chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu.
Tiếp tục giải pháp mạnh
Hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận thuộc một trong 4 ngư trường lớn nhất của cả nước. Việc các địa phương này làm rất tốt công tác chống IUU đang mang lại tín hiệu lạc quan để cùng với các tỉnh thành ven biển khác của Việt Nam sớm gỡ “thẻ vàng” của EC.
Đánh giá chung của Sở NN-PTNT hai tỉnh này, sau thời gian triển khai các giải pháp chống IUU, thông qua công tác tuyên truyền, ngư dân đã nhận thức được tác hại của việc vi phạm vùng biển nước ngoài và hoạt động khai thác bất hợp pháp. Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng theo các khuyến nghị của EC có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh nhưng kết quả đạt được, các địa phương trên cần tiếp tục khắc phục triệt để những tồn tại, khó khăn.
Ông Nguyễn Khắc Lâm cho biết, hiện nay ở Ninh Thuận, nhiều tàu cá kể cả chủ tàu mang số đăng ký của địa phương nhưng đã di chuyển gia đình vào các tỉnh miền Nam hoạt động khai thác hải sản và thay đổi chỗ ở liên tục nên công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài rất khó khăn. Ngoài ra, hiện địa phương vẫn còn một số tàu cá nằm trong diện quy định chưa thực hiện việc lắp đặt VMS vì một số lý do như: đang trong quá trình sang nhượng, cải hoán tàu cá, hoặc chủ tàu gặp khó khăn về tài chính... cần có giải pháp cần thiết để hỗ trợ những trường hợp này.
Ông Huỳnh Quang Huy chia sẻ thêm, tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Bình Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài bước đầu được ngăn chặn, song vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ, đáng chú ý là nhóm tàu cá khai thác xa bờ thường xuyên lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh, không có các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, tình trạng ngư dân không ghi, không nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, không khai báo khi ra vào cảng cá, tàu cá bị mất kết nối thiết bị VMS trên biển, còn xảy ra.
Do vậy, để không làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả chống IUU, các địa phương cần tiếp tục có biện pháp chế tài để xử lý nghiêm những hành vi cố tình vi phạm. Xác định việc triển khai các giải pháp để chống IUU không chỉ đơn thuần nhằm chung tay tháo gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản, mà quan trọng là xây dựng nghề cá của Việt Nam ngày càng bền vững, đáp ứng được yêu cầu hội nhập.
(Theo SGGP)