Năm 2022 tập trung gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm gỡ 'thẻ vàng' về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định là quy định về chống đánh bắt hải sản (IUU) là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2022.

Khắc phục “thẻ vàng” về IUU, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, khắc phục các sai sót, không gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy hải sản khai thác vào thị trường châu Âu. Cả nước hiện có 16 trên tổng số 28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tập trung tại các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ chủ yếu phục vụ hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, 4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về thẻ vàng IUU đã và đang được tích cực triển khai. Đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã điều chỉnh Nghị định và Thông tư hướng dẫn để phù hợp với điều kiện thực tế và đạt được sự đồng thuận của các địa phương qua đó phê duyệt làm căn cứ pháp lý đồng bộ trong xử lý vi phạm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục thủy sản cũng đã triển khai hơn 10 đoàn công tác kiểm tra IUU tại các địa phương.

Sau mỗi lần kiểm tra, đặc biệt sau cuộc họp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với 28 tỉnh, thành phố ven biển đã có sự tiến bộ rõ rệt ở các địa phương. Ý thức của người dân, cán bộ chính quyền cũng được nâng cao. Ngư dân đã hình thành được ý thức nộp nhật ký khai thác và chỉ còn một bộ phận rất nhỏ cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá hiện nay đã đạt 92% với các tàu từ 15m trở lên, số còn lại đã yêu cầu các địa phương những tàu nào đi khai thác phải lắp thiết bị giám sát hành trình, những phương tiện nằm bờ không đi khai thác phải xác định rõ của địa phương nào, ở vị trí nào và ai là chủ tàu để quản lý chặt chẽ yêu cầu tuân thủ quy định của pháp luật: “Quan trọng nhất hiện nay là thực thi pháp luật và triển khai trên thực tế. Việc quản lý đội tàu hiện nay số lượng tàu đã giảm theo như định hướng của Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều tra nguồn lợi hiện nay trong các chương trình trình Chính phủ để có số lượng tổng thể về nguồn lợi để cơ cấu lại số lượng tàu cho phù hợp đảm bảo, đây là hiệu quả và kết quả sản xuất của ngư dân, từ đó thu nhập và đời sống của ngư dân sẽ tốt hơn và tuân thủ quy định của pháp luật” - ông Trần Đình Luân nói./.

(Theo VOV)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục