Indonesia, Australia hợp tác chống đánh bắt bất hợp pháp

(vasep.com.vn) Chính phủ Indonesia và Australia đã nhất trí tiến hành cuộc tuần tra hàng hải chung mang tên “Operation Gannet 5” để bảo vệ biên giới biển giữa hai quốc gia, bao gồm cả các hoạt động đánh bắt trái phép.

Chú thích ảnh

Ngày 24/5/2021, Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (BAKAMLA), Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia (KKP), Lực lượng Biên phòng (ABF) và Cơ quan Quản lý Nghề cá Australia (AFMA) đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác phối hợp tuần tra trên biển.

Ông Antam Novambar, Giám đốc Cơ quan Giám sát Nguồn lợi và Nghề cá của KKP cho biết, Indonesia và Australia cam kết tiếp tục hợp tác để thúc đẩy sự ổn định của khu vực, đặc biệt là tại các biên giới chung của hai nước.

Ông cho biết đây là một trong những hoạt động hợp tác với Australia trong khuôn khổ Diễn đàn Giám sát Nghề cá Indonesia – Australia. Mặc dù cuộc tuần tra được tiến hành trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, nhưng được thực hiện nghiêm ngặt bằng cách sử dụng các quy trình phòng ngừa Covid-19.

Từ tháng 3/2021, Gannet 5 đã bắt đầu bằng hội thảo chia sẻ kiến thức giữa ABF, BAKAMLA, PSDKP và AFMA về các khu vực trên biển. Cũng từ đây, các cuộc họp trực tuyến thường xuyên để chia sẻ thông tin đã được tiến hành nhằm thảo luận về cuộc tuần tra chung lần đầu tiên vào ngày 24-26/5/2021.

Trong khi đó, theo một thông cáo truyền thông chung do ABF, AFMA, BAKAMLA, và PSDKP đưa ra, sự hợp tác này đánh dấu lần thứ 5 Indonesia và Australia phối hợp tuần tra trên biên giới biển giữa hai nước.

Theo Ông VADM A’an Kurnia, Trưởng BAKAMLA, đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng tới việc hợp tác giữa hai nước. Sức mạnh của các thoả thuận an ninh hàng hải của Australia và Indonesia, khả năng phối hợp các nỗ lực hàng hải ngày nay được thấy thông qua thành tích của Chiến dịch Gannet 5.

Gannet 5 là một phần trong nỗ lực của Indonesia và Australia nhằm tiếp tục bảo vệ lãnh hải của hai nước. Hoạt động sắp tới sẽ được thực hiện thông qua việc thông tin xuyên suốt giữa các cơ quan liên quan, trao đổi thông tin, và một cuộc tuần tra phối hợp được thực hiện bởi các tàu từ BAKAMLA, PSDKP, và MBC.

Mục tiêu hoạt động chính của GANNET 5 là phát hiện, ngăn chặn và chống lại các hoạt động bất hợp pháp trên biển ngoài việc tăng cường hợp tác giữ các cơ quan liên quan của Indonesia và Australia. Trọng tâm của các hoạt động này bao gồm hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), buôn bán người, bảo vệ môi trường và tội phạm nghiêm trọng có tổ chức xuyên quốc gia xảy ra trong khu vực hoạt động chung.

Trọng tâm địa lý chính cho hoạt động này là khu vực phía Đông của Indonesia có đường biên giới trên biển với Australia.

Trong quá trình hoạt động, BAKAMLA sẽ triển khai tàu tuần tra KN Tanjung Datu-301, do chỉ huy COL. Arif Rahman. Tàu này được trang bị súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7mm và vũ khí phòng vệ cá nhân DSAR-15P cỡ nòng 5,56. Việc trao đổi thông tin cũng sẽ hỗ trợ bởi các sĩ quan từ Trung tâm Thông tin Hàng hải Indonesia (MIC) đặt tại trụ sở chính của BAKAMLA ở Jakarta.

ABF sẽ triển khai tàu tuần tra ABFC Cape Nelson cùng với hai máy bay để tiến hành giám sát trên không trong quá trình hoạt động. Một sĩ quan AFMA sẽ được đưa lên máy bay để tiến hành các hoạt động giám sát và kiểm tra nghề cá. Các cuộc tuần tra sẽ được hỗ trợ bởi MBC và AFMA, nằm trong trụ sở ABF ở Canberra.

PSDKP sẽ triển khai các tàu tuần tra (KP) Orca 4, KP. Hiu 14, và máy bay giám sát trên không. Ngoài mục tiêu ngăn chặn các hoạt động đánh bắt IUU, hoạt động này cũng sẽ nhắm vào các thiết bị dẫn dụ cá (FAD) bất hợp pháp ở biên giới Indonesia và Australia.

Chuẩn Đô đốc Mark Hill, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Biên giới Hàng hải, nhận xét rằng hoạt động này củng cố an ninh quốc gia của Australia.

Kể từ năm 2018, các cuộc tuần tra chung này giữa Bộ Tư lệnh Biên phòng Hàng hải (MBC), thuộc ABF, BAKAMLA, PSDKP và AFMA nhằm chống lại và giảm thiểu các hoạt động bất hợp pháp ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của các quốc gia.

Cuộc tuần tra này là một phần quan trọng trong cam kết tăng cường an ninh hàng hải, nằm trong Kế hoạch Hành động Hàng hải nhằm thực hiện Tuyên bố chung của Indonesia và Australia về Hợp tác Hàng hải.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục