Hỗ trợ lao động đánh bắt và chế biến thủy sản Đông Nam Á di cư an toàn

Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ di cư lao động an toàn và việc làm thỏa đáng trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến thủy sản ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hỗ trợ lao động đánh bắt và chế biến thủy sản Đông Nam Á di cư an toàn

Lao động di cư làm việc trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến thủy sản từ những quốc gia Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi từ một chương trình mới tiếp tục nỗ lực thúc đẩy di cư lao động hợp pháp và an toàn trong ngành nghề công việc này. Dự án có tên gọi “Các quyền từ tàu tới bờ biển trong khu vực Đông Nam Á.”

Chương trình được thực hiện trong thời gian 4 năm (2020-2024) do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) triển khai. Dự án này do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ với khoản kinh phí là 10 triệu EURO, tương đương với 11,29 triệu USD (gần 300 tỷ đồng).

Các mục tiêu của chương trình bao gồm tăng cường khuôn khổ pháp lý, bảo vệ quyền lao động và nâng cao năng lực cho người lao động trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến thủy sản ở Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Dự án sẽ được xây dựng dựa trên hoạt động của Dự án "Các quyền từ tàu tới bờ biển" do EU tài trợ, đã kết thúc vào tháng 3/2020. Với sự phối hợp triển khai của ba cơ quan thuộc Liên hợp quốc, chương trình sẽ phát huy kinh nghiệm của các đối tác trong khu vực để bảo vệ quyền của người lao động di cư và giải quyết các vấn đề như lao động cưỡng bức, buôn người, các hành vi tuyển dụng bất hợp pháp và khả năng tiếp cận thông tin hạn chế của người lao động.

Chương trình hướng tới những người lao động làm việc trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến thủy sản hiện đang di cư, sẽ di cư và đã di cư trở về, gia đình của họ và cộng đồng ở nước điểm đi và nước điểm đến. Chương trình cũng sẽ hợp tác với các cơ quan chính phủ quốc gia; các tổ chức của người lao động và tổ chức của người sử dụng lao động; cơ quan tuyển dụng; chủ tàu và các hiệp hội chủ tàu; các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức hoạt động tại cộng đồng. 

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc ILO khu vực châu Á-Thái Bình Dương chi biết: “Trong khi những tiến bộ đã đạt được để cải thiện điều kiện làm việc cho lao động di cư trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến thủy sản, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Sáng kiến mới này sẽ thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, dựa trên quyền và an toàn để quản lý việc làm và di cư xuyên biên giới. Chương trình sẽ giúp mang đến một ngành công nghiệp đánh bắt và chế biến thuỷ sản mạnh hơn và công việc tốt hơn cho phụ nữ và nam giới làm việc trong lĩnh vực này."

Khung pháp lý về di cư lao động trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến thủy sản thường yếu, lao động di cư thường được tuyển dụng thông qua các kênh không chính thức và không hợp pháp. Mặc dù đã có những cải thiện quan trọng trong những năm gần đây, nhưng người lao động vẫn cho biết họ không có hợp đồng lao động bằng văn bản, trả lương thấp hơn hoặc bị giữ lại tiền lương, các hình thức đánh cắp tiền lương khác và bị ép buộc hoặc làm việc không tự nguyện.

Đại dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sinh kế của người lao động di cư và gia đình của họ. Chương trình quyền lao động từ tàu tới bờ trong khu vực Đông Nam Á sẽ hỗ trợ các Chính phủ và đối tác giải quyết những thách thức này và đảm bảo sự bảo vệ mạnh mẽ cho tất cả người lao động di cư làm việc trong lĩnh vực có đóng góp quan trọng về kinh tế và xã hội này.

Bà Nenette Motus, Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho hay: “Chương trình này sẽ tiếp tục thúc đẩy việc di cư lao động qua các kênh chính thức đối với những người làm việc trong các ngành đánh bắt và chế biến thủy sản, đảm bảo rằng lao động được tuyển dụng thông qua các kênh an toàn. Dự án cũng đặc biệt coi trọng khả năng tác động đến sự thay đổi của người di cư thông qua nâng cao nhận thức về quyền lao động của họ và khả năng tìm kiếm các giải pháp khắc phục khi xác định được tình huống bóc lột lao động hoặc buôn bán người.”

Các quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nằm trong danh sách những nhà sản xuất và xuất khẩu sản phẩm từ cá và thuỷ sản hàng đầu thế giới. Chuỗi cung ứng đánh bắt và chế biến thủy sản phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm đánh bắt thủy sản, chế biến sơ cấp và thứ cấp tại nhà máy trên bờ. Lao động di cư đóng góp đáng kể vào hoạt động này với công việc là ngư dân và công nhân chế biến.

“Những đóng góp của di cư đối với phát triển ở khu vực châu Á Thái Bình Dương là đáng kể và có thể tiếp tục tăng hơn nữa, đặc biệt là tại những nơi mà hoạt động di cư được thực hiện qua các kênh an toàn, trật tự và hợp pháp. Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc đánh giá cao quan hệ đối tác với Liên minh châu Âu, Tổ chức Lao động quốc tế và Tổ chức Di cư quốc tế trong khuôn khổ chương trình này, vì nó cho phép chúng tôi thúc đẩy tiềm năng của hoạt động di cư và hỗ trợ tiến bộ kinh tế xã hội ở Đông Nam Á,” ông Christophe Bahuet, Phó Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc nói.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục