Với quyết tâm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), trong năm 2020, Hà Tĩnh đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU).
Tập trung tuyên truyền, xử lý nghiêm các vi phạm
Tháo gỡ “thẻ vàng” được Hà Tĩnh xem là nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện đồng bộ, có hiệu quả để phát triển nghề cá bền vững. Bởi vậy, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trên tinh thần quyết liệt, mạnh tay xử lý, thực hiện tốt công tác quản lý. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã xây dựng chính sách hỗ trợ một lần 70% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.
Ngư dân Hà Tĩnh tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài trên 15m theo quy định.
Đây chính là “đòn bẩy” để ngư dân có điều kiện thực hiện theo quy định, đảm bảo trong hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp được 82/141 thiết bị giám sát hành trình tàu cá; đồng thời, chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ quản lý, người dân, các chủ tàu cá chuyển biến tích cực.
Tháo gỡ “thẻ vàng” được Hà Tĩnh xem là nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện đồng bộ, có hiệu quả để phát triển nghề cá bền vững.
Cùng với đó, trên cơ sở thông tin đường dây nóng và từ ngư dân, công tác tuần tra, kiểm soát trên biển đã thu nhiều kết quả nhất định, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Được biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương các cấp đã tổ chức 21 cuộc thanh tra, tuần tra, kiểm soát; trực tiếp kiểm tra trên 600 lượt tàu cá; phát hiện và xử lý 63 trường hợp vi phạm; phạt tiền 45 trường hợp với tổng số tiền trên 500 triệu đồng, tịch thu 7 bộ kích điện cùng ắc quy, 2 bộ lưới giã cào; nhắc nhở 20 trường hợp.
Lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương các cấp đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, tuần tra, kiểm soát tàu cá vi phạm.
Theo ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, việc thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm đã được các cấp, ngành phối hợp tổ chức thực hiện quyết liệt. Do vậy, các vi phạm về khai thác IUU trên địa bàn đã giảm đáng kể so với các năm trước đây. Vừa qua, đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT cũng đánh giá cao công tác triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Xây dựng nghề cá phát triển ổn định, bền vững
Nhờ các giải pháp đồng bộ, hoạt động khai thác, đánh bắt của ngư dân cũng như công tác quản lý nhà nước được thực hiện phù hợp hơn với tình hình, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững. Ông Trần Văn Mạnh - Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá số 2 (Nghi Xuân) cho biết: “Được thông tin tuyên truyền, ngư dân hiểu biết hơn về pháp luật, quy định chung. Tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp bằng mìn, kích điện ở địa phương giảm hẳn. Đây cũng là biện pháp cơ bản để bám biển lâu dài, thu về nguồn lợi hải sản có giá trị”.
Theo ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc BQL Các cảng cá Hà Tĩnh, Trưởng Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tỉnh, đến nay, việc ghi, nộp nhật ký báo cáo của ngư dân sau khi khai thác cũng được cải thiện hơn nhiều, không còn tình trạng chậm trễ như trước.
Từ đầu năm đến nay, Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá cũng đã thực hiện kiểm soát trên 10.011 lượt tàu cá ra, vào các cảng cá; thực hiện thu nhật ký khai thác và báo cáo khai thác đối với 4.697 lượt tàu cá cập cảng; lập biên bản nhắc nhở 176 tàu cá với các lỗi như thiếu hồ sơ tàu cá, không kẻ biển số tàu, không trang bị hoặc không có tín hiệu giám sát hành trình…
Kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động đánh bắt của ngư dân trên biển bằng thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho hay: Việc triển khai các giải pháp phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều điểm bất cập, cần tập trung cao hơn nữa, nhất là chuẩn bị các điều kiện để phục vụ đoàn kiểm tra của EC trong thời gian tới; coi đây là cơ hội để tái cơ cấu ngành thủy sản, chấn chỉnh hoạt động khai thác thủy sản cũng như công tác quản lý nhà nước.
Phát triển nghề cá bền vững tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân Hà Tĩnh.
"Chi cục Thủy sản phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó, tập trung xử phạt đối với các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc đã lắp đặt nhưng tắt thiết bị; hoạt động sai nghề, sai tuyến, giấy phép khai thác hết hạn, không có đánh dấu tàu cá theo vùng hoạt động…
Đồng thời, mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; tập trung hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo Luật Thủy sản đối với các tàu, thuyền còn lại...” - ông Hoàng cho biết thêm.
(Theo báo Hà Tĩnh)