Sau gần 4 năm nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, đến nay, Hải Phòng đã gặt hái được những kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần cùng cả nước thể hiện rõ quyết tâm chính trị, nghiêm túc thực hiện các cam kết trong quá trình triển khai các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU) với nhiều tiến bộ, hướng đi đúng đắn…
Chỉ đạo quyết liệt
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU, thời gian qua, Thành ủy, UBND TP đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức quán triệt, thông tin tuyên truyền đến từng cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, cá nhân liên quan để hiểu rõ, nắm chắc, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp chống khai thác IUU theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Ban chỉ đạo Quốc gia, UBND TP, Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU thành phố.
Cùng với đó, UBND TP đã giao Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, CATP và các sở liên quan, UBND các quận, huyện căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan siết chặt công tác quản lý các cảng cá, tàu cá hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần thủy sản trên biển theo đúng quy định Luật Thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Qua đó có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác IUU.
Và để đạt được mục tiêu đề ra, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biển Luật Thủy sản năm 2017, các quy định chống khai thác IUU, VSATTP thủy sản, bảo vệ môi trường…, được thành phố đặc biệt chú trọng. Thời gian qua, các cơ quan báo chí thành phố, Trung ương đã đăng tải hàng trăm tin, bài, ảnh; xây dựng, phát hành 27 số Chuyên mục “An ninh biển đảo” phát trên Đài PTTH Hải Phòng, 12 số “Thông tin nội bộ”. Tuyên truyền 768 buổi/14.417 lượt phương tiện/153.182 lượt người dân; treo pa nô, áp phích, khẩu hiệu, tặng 1.204 lá cờ Tổ quốc, 224 đĩa DVD, 3.220 phao cứu sinh các loại; 36 tủ, túi thuốc QY, 300 quyển sách pháp luật, 910 sổ tay cẩm nang về chống khai thác IUU, 200 quyển Luật Thủy sản 2017. Đồng thời kẻ biển số cho 266 tàu cá, hướng dẫn ghi chép nhật ký khai thác hải sản cho 416 lượt tàu cá, yêu cầu 146 chủ phương tiện trực tiếp mua phao cứu sinh còn thiếu, 35 phương tiện mua đèn hành trình…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên 100% chủ tàu khai thác thủy sản xa bờ của thành phố đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản.
Công tác triển khai lắp đặt, giám sát hành trình được chú trọng. Tính đến tháng 7 năm nay, toàn thành phố đã lắp 336/387 (trong đó có 16 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động) thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đạt 90,5%.
Quan tâm đầu tư hạ tầng nghề cá
Đáng chú ý, Hải Phòng đã ban hành quy trình xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát với trạm bờ, tàu cá vi phạm vùng, tuyến khai thác để triển khai thực hiện; tổ chức trực ca 24/24h vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá theo quy định. Dựa vào hệ thống này và thông báo của Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT sẽ thông báo tới các cơ quan chức năng, UBND các quận, huyện về các chủ tàu cá mất kết nối. Đồng thời phối hợp xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân mất kết nối; yêu cầu các chủ tàu cá ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép, duy trì kết nối 24/24h khi hoạt động trên biển. Theo đó, từ khi hệ thống giám sát hành trình tàu cá đi vào hoạt động đến nay, Sở NN&PTNT đã ban hành 5 thông báo đối với 308 lượt tàu cá mất kết nối đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để phối hợp, kiểm tra, xác minh.
Nhờ triển khai nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp nêu trên, trong 2 năm 2019, 2020, trên địa bàn thành phố không phát hiện tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý cũng như các lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện, bắt giữ, xử lý. Và tính đến thời điểm hiện nay thành phố chưa phát hiện các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Hải Phòng đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; chưa phát hiện các hành vi lợi dụng tàu cá, khai thác hải sản để buôn lậu, tổ chức vượt biên trái phép.
Thành phố đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 776/1.147 tàu cá, đạt 67,6% (trong đó, số tàu cá trên 15m được cấp 354/371, đạt 95,4%); cấp 298/371 giấy chứng nhận ATTP tàu cá, đạt 80,3 %. 100% tàu cá đã được đánh dấu nhận biết, sơn vẽ biển số theo quy định.
Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã bố trí nguồn vốn đầu tư khoảng 300 tỉ đồng cho các dự án hạ tầng nghề cá để nâng cao năng lực chống khai thác IUU. Theo đó, Hải Phòng đã thực hiện xong việc lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ; hoàn thành nâng cấp mặt bến, làm mới nhà phân loại thủy sản tại Cảng số 1, 2 của Cảng cá Ngọc Hải; xây dựng, bàn giao các hạng mục công trình Dự án đầu tư xây dựng Cảng cá Trân Châu, công bố mở cảng đưa vào vận hành, sử dụng. Đồng thời, thành phố đã đầu tư lắp đặt hệ thống đường truyền kết nối Internet tốc độ cao, hệ thống máy tính, màn hình, camara giám sát, các trang thiết bị văn phòng, bố trí phòng làm việc cho các đơn vị chức năng để thực hiện công tác kiểm soát tàu cá, xác nhận sản lượng lên bến tại cảng cá…
Công tác thực thi pháp luật trên biển, năng lực kiểm soát, thanh tra tàu cá, xác nhận sản lượng lên bến tại các cảng cá, bến cá được các lực lượng chức năng của thành phố siết chặt. Nhờ đó, lượng tàu cá vi phạm các quy định pháp luật đã giảm qua các năm. Nếu như năm 2018, có 431 lượt phương tiện vi phạm thì năm 2020 giảm xuống còn 293 và 6 tháng đầu năm 2021 giảm còn 34 lượt phương tiện…
Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận của Hải Phòng trong nỗ lực gỡ thẻ vàng của EC đối với thuỷ sản khai thác của Việt Nam…
(Theo Cổng Tin tức Tp. Hải Phòng)