Đề tài “Đánh giá hiện trạng và đề xuất hệ thống giám sát tàu cá (VMS) khai thác xa bờ 3 tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa” do Tiến sĩ Tô Văn Phương và cộng sự - Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang thực hiện vừa được nghiệm thu, mở ra nhiều triển vọng trong việc quản lý nghề cá bằng công nghệ.
Đề xuất hệ thống giám sát tàu cá
Theo Tiến sĩ Tô Văn Phương, Khánh Hòa, Quảng Nam và Bình Định là các địa phương có nghề cá trọng điểm của cả nước. Thế nhưng, từ trước tới nay, việc theo dõi, giám sát các tàu cá trên biển chỉ dựa vào hệ thống theo dõi trực canh đặt tại trạm bờ, liên lạc thông qua hình thức bộ đàm nên rất khó nhận biết vị trí tàu cá trên biển. VMS là giải pháp cung cấp thông tin về vị trí, vết đi và một số hoạt động của tàu thuyền cho nhà quản lý, cung cấp dịch vụ thông tin giữa trạm quản lý và tàu thuyền hoạt động trong vùng kiểm soát của hệ thống. Vì thế, nhóm nghiên cứu đã đề xuất đề tài cấp bộ “Đánh giá hiện trạng và đề xuất hệ thống giám sát tàu cá (VMS) khai thác xa bờ 3 tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa”, thực hiện từ năm 2019-2021.
Các chuyên gia của các hãng sản xuất hỗ trợ lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá
Đề tài đã tập trung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng trang thiết bị và công tác quản lý, giám sát tàu thuyền khai thác xa bờ, hệ thống giám sát tàu khai thác xa bờ tại 3 tỉnh nói trên. Đồng thời, đề xuất hệ thống giám sát tàu cá, xây dựng quy trình khai thác sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý hiệu quả tàu khai thác hải sản xa bờ. Theo Tiến sĩ Phương, hiện nay, thị trường có gần 10 loại thiết bị VMS được giới thiệu đến ngư dân. Vấn đề quan trọng là từ các dữ liệu thu thập từ tàu cá phải kết nối được cũng như đồng bộ hóa dữ liệu với phần mềm hệ thống VMS của Tổng cục Thủy sản và Chi cục Thủy sản địa phương. Qua nghiên cứu, nhóm khảo sát đã chọn 3 thiết bị hiện hành VMS có thể đảm bảo các yêu cầu trên để lắp đặt trên các tàu cá khảo sát, gồm: Thuraya SF2500 của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT); Vifish.18 của Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel) và BA-SAT-01 của Công ty TNHH Phát triển Công nghệ điện tử Bình Anh (Hà Nội). Theo Nghị định 26/2019 của Chính phủ quy định rõ thiết bị VMS phải gửi tối thiểu 2 giờ/lần về thông tin tàu (vị trí, ngày giờ theo thời gian thực) đối với tàu có chiều dài tối đa từ 24m trở lên, 3 giờ/lần đối với tàu có chiều dài từ 15 - 24m.
Mở ra triển vọng quản lý nghề cá bằng công nghệ mới
Kết quả sau 3 năm nghiên cứu, nhóm khảo sát nhận thấy, cường lực khai thác xa bờ các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam lần lượt là: 814 (chiếm 8,3%), 3.118 (chiếm 50%) và 748 (chiếm 22,4%) trong tổng cường lực các địa phương. Tọa độ tàu tự động truyền về qua GPS trong thời gian khảo sát đối với Thuraya SF2500, Vifish.18, BA-SAT-1 lần lượt là 141%, 154% và 520,5% so với quy định tần suất tối thiểu 2 giờ/lần. Thiết bị BA-SAT-1 tự động truyền tọa độ vị trí tàu khai thác trên biển vượt hơn 5 lần so với quy định tối thiểu. Cả 3 thiết bị đều đạt chất lượng cao, tọa độ truyền về có độ chính xác đảm bảo theo quy định trong khoảng 500m, đạt 99%; tiêu hao điện năng thấp, không gây ảnh hưởng đến các trang thiết bị sử dụng điện năng khác trên tàu, đồng thời có pin dự phòng. Phần mềm quản lý VMS và phần mềm ứng dụng cho ngư dân có nhiều tính năng đảm bảo theo quy định, một số tính năng đáp ứng tốt. Giá thành sản phẩm và cước phí viễn thông hàng tháng được ngư dân đánh giá hợp lý...
Nhóm đề xuất các thiết bị VMS cần được cải thiện về tần suất tự động gửi tọa độ vị trí tàu; cơ quan quản lý nghề cá các tỉnh cần có chính sách hỗ trợ và triển khai trang bị hệ thống VMS nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, khắc phục vấn nạn khai thác IUU và dỡ bỏ thẻ vàng của EC; cần xây dựng quy trình đồng bộ dữ liệu sử dụng chung trong VMS trung tâm đối với nhiều thiết bị VMS khác nhau.
Tiến sĩ Trần Đức Phú - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài cho biết, đề tài triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, xếp loại đạt. Do kinh phí và thời gian hạn hẹp nên nhóm nghiên cứu gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai trên phạm vi rộng lớn hơn. Tuy nhiên, công trình mở ra nhiều triển vọng trong việc quản lý nghề cá bằng công nghệ mới như: hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn; ước tính trữ lượng nguồn lợi thủy sản dựa trên cơ sở dữ liệu VMS, có thể xác định được phạm vi ngư trường chính xác cho các loài thủy sản; đặc biệt có thể xác định hành vi khai thác trái phép của tàu cá.
(Theo báo Khánh Hòa)