Chống khai thác IUU: Không lắp thiết bị giám sát, tàu cá không được xuất bến

Các tàu cá khi ra khơi phải lắp đặt và bật thiết bị giám sát hành trình, ghi chép nhật ký khai thác… Nếu không tuân thủ, lực lượng chức năng cảng cá tại Thanh Hoá kiên quyết không cho tàu xuất bến.

Xác định là giai đoạn “nước rút” gỡ thẻ vàng IUU, những ngày gần đây các loa phát thanh tại cảng Lạch Hới (Sầm Sơn, Thanh Hoá) liên tục phát nội dung tuyên truyền chống khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU).

Ông Lê Văn Thắng - Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa, cho biết, tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về Luật Thuỷ sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về chống khai thác IUU để ngư dân, chủ tàu, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan nắm rõ.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn cử cán bộ đến tận phường, xã để vận động, hướng dẫn ngư dân và chủ tàu thực hiện các quy định về khai thác thủy sản, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, thủ tục giấy tờ khi tàu cá đi khai thác. 

W-tau-ca-1.jpg

Thanh Hoá kiểm soát chặt tàu cá khi đi khai thác thuỷ sản sản (Ảnh: Hồ Giáp)

Theo đó, các tàu cá khi ra khơi phải lắp đặt và bật thiết bị giám sát hành trình, ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ… Nếu không tuân thủ, lực lượng chức năng kiên quyết không cho tàu cá xuất bến, ông Thắng nói thêm về các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác IUU.

Thanh Hóa hiện có hơn 6.010 tàu với khoảng 24.500 lao động tham gia khai thác thủy sản trên biển, trong đó có 1.112 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chuyên khai thác thủy sản vùng khơi.

Tính đến hết tháng 8/2023, có hơn 1.200 lượt tàu rời cảng, 813 lượt tàu cập cảng, sản lượng thủy sản đạt hơn 6.700 tấn. Lực lượng chức năng đã nhập 2.400 tàu cá vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNfishbase.

Ông Lê Văn Sáng - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa, cho biết, tại trạm giám sát đặt ở Chi cục Thủy sản, phần mềm quản lý tàu cá luôn duy trì hoạt động 24/24 giờ. Hình ảnh toàn bộ phần lãnh hải Việt Nam và các nước lân cận với đường ranh giới trên biển được hiển thị rõ trên màn hình theo dõi. 

Thông qua các thiết bị giám sát hành trình, một tàu cá đi đến bất kỳ vùng biển nào cũng được truyền tín hiệu qua vệ tinh nên ở trong đất liền cũng dễ dàng nắm bắt từ số hiệu, tên và địa chỉ chủ tàu.

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá đã triển khai chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá, miễn phí 3 năm sử dụng thuê bao. Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ tàu cá cam kết lắp đặt, duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình khi thực hiện khai thác thủy sản. 

Tỉnh Thanh Hóa cũng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền, nhất là các tàu cá có nguy cơ vi phạm IUU. Cơ quan chức năng tăng cường điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài, kiên quyết ngăn chặn và chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và sự đồng lòng của ngư dân, những năm qua số vụ vi phạm về khai thác IUU tại tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Việc ghi chép nhật ký khai thác và thông tin tàu cá ra vào cảng đối với các chủ tàu cũng được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Không để xảy ra tình trạng tắt thiết bị định vị trong quá trình khai thác.

Không chỉ tuân thủ các quy định về khai thác IUU, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng giúp cho những ngư dân hoạt động đánh bắt gần bờ được nâng cao. Thời điểm hiện tại, trên bãi biển Thanh Hóa không còn tình trạng đánh bắt tận diệt như dùng lưới mắt nhỏ hay xung điện... hướng tới phát triển nghề cá bền vững.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu thực hiện cao điểm tuần tra ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước thời điểm EC sang thanh tra thực tế lần thứ 5.

Trong đó, Phó Thủ tướng đặc biệt yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cấp bách; có giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ nay đến tháng 4/2024 (trước thời điểm EC sang thanh tra thực tế lần thứ 5).

Cùng với đó, rà soát hồ sơ, xử phạt dứt điểm các vụ việc đã vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, vi phạm mất kết nối VMS theo quy định từ đầu năm 2023 đến nay, hoàn thành trước ngày 30/12 năm nay.

Tổ chức kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức hóa hồ sơ xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác đối với các lô hàng thủy sản khai thác xuất khẩu.

Theo Vietnamnet

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục