(vasep.com.vn) Trên toàn cầu, cứ 5 con cá bị đánh bắt thì có 1 con bị đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), một hoạt động thương mại đã tàn phá các nền kinh tế, dẫn đến mất hàng triệu việc làm và làm suy giảm sinh kế.
Các báo cáo đã chỉ ra rằng các nước đang bị thiệt hại 50 tỷ USD/năm cho hoạt động buôn bán bất hợp pháp này, khiến nó trở thành tội phạm khai thác tài nguyên thiên nhiên mang lại lợi nhuận cao thứ 3 sau khai thác mỏ và gỗ.
Tổ chức Liên hợp quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng khẩn cấp của các đại dương, khi hơn 90% trữ lượng hải sản trên thế giới đã cạn kiệt hay bị lạm thác. Hoạt động đánh bắt IUU là thủ phạm chính, chiếm tới 20% sản lượng đánh bắt thuỷ sản.
Trên toàn cầu, gần 820 triệu người sống dựa vào hoạt động đánh bắt hải sản để kiếm sống, với việc tiêu thụ hải sản chiếm 1/6 lượng protein động vật mà dân số thế giới tiêu thụ. Do đó, hoạt động đánh bắt IUU đã giáng một đòn mạnh vào ngành đánh bắt địa phương, khiến các cộng đồng này rơi vào cảnh đói nghèo, gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng và cản trở việc bảo tồn hệ sinh thái biển.
Châu Phi là một trong những châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khai thác tài nguyên này, ước tính doanh thu của châu lục này đã mất khoảng 11,2 tỷ USD/năm. Ví dụ, 40% hoạt động đánh bắt bất hợp pháp trên thế giới diễn ra tại Tây Phi, gây ra tác động bất lợi không thể đếm được đối với nền kinh tế và hệ sinh thái.
Hoạt động thương mại bất hợp pháp này bao gồm các đội tàu đánh bắt lớn của nước ngoài, hầu hết là từ các nước công nghiệp phát triển, đã được thúc đẩy do thiếu hợp tác quốc tế, chính sách thực thi lỏng lẻo, giới hạn hay thiếu nguồn lực địa phương và luật pháp kém.
Thỏa thuận về các biện pháp của quốc gia có cảng, PSMA - hiệp ước đã được 100 quốc gia ký kết, là công cụ ràng buộc toàn cầu đầu tiên. Công cụ này nhằm bắt giữ, ngăn chặn và xoá bỏ hoạt động đánh bắt IUU bằng cách từ chối tiếp cận cảng đối với các tàu chuyển chở và tàu đánh bắt tham gia hoạt động thương mại như vậy là một động thái đáng khen ngợi.
Trách nhiệm của các bên ký kết thỏa thuận và cộng đồng quốc tế là thực thi thoả thuận bằng hành động, mạnh mẽ và có cam kết nhằm ngăn chặn mối đe dọa của các hoạt động bất hợp pháp và không bền vững đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên này.