Để gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu về đánh bắt cá trái phép, Bình Thuận đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường chặt công tác giám sát, điều tra.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa ký công văn hỏa tốc gởi các cơ quan chức năng của tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống tàu cá Việt Nam đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo qui định (IUU- llegal, Unrepoted and Unregulated Fishing).
Tàu cá khai thác trên vùng biển Bình Thuận.
Theo đó, yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về IUU, tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.
Xác định tuyên truyền là nhiệm vụ căn bản, xuyên suốt để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của ngư dân, giảm thiểu các hành vi khai thác IUU, nhất là không vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
Sở NN&PTNT có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các sở, ngành và chính quyền địa phương vùng biển triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá ngư dân; vận động số chủ tàu cá còn lại chưa lắp đặt thiết bị VMS khẩn trương lắp đặt, đảm bảo hoàn thành 100% tàu cá được lắp đặt thiết bị VMS trong quý III năm 2022.
Thực hiện nghiêm túc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất/nhập bến theo quy định của Bộ NN&PTNT về thực hiện khuyến nghị của EC; chỉ đạo các Ban Quản lý cảng cá, đặc biệt là Ban Quản lý cảng cá Phan Thiết thực hiện nghiêm túc việc giám sát tàu cá ra, vào cảng, nhật ký khai thác, giám sát sản lượng lên bến, xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; rà soát các công việc liên quan đến công tác phòng, chống khai thác IUU tại cảng.
Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá điều kiện hạ tầng cảng cá, tình hình bồi lấp luồng lạch,... báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý. Trước mắt, khẩn trương phối hợp Sở KHĐT, Sở Xây dựng, UBND thị xã La Gi tổ chức kiểm tra, đánh giá tình trạng xuống cấp, ô nhiễm môi trường khu vực bến 90 - 200 Cv Cảng cá La Gi, đề xuất biện pháp khắc phục, thời gian hoàn thành trước ngày 15-9-2022.
Phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương vùng biển rà soát số lượng tàu cá tại địa phương, tập trung thực hiện đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá để quản lý, kiểm soát năng lực tàu cá, điều kiện hành nghề theo đúng quy định Luật Thủy sản năm 2017; xử lý nghiêm các chủ tàu cố tình né tránh việc đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản mặc dù đã được cơ quan chức năng thông báo, cảnh báo.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất/nhập bến; kiên quyết không cho xuất bến đi biển đối với tàu cá không đủ điều kiện hành nghề, không đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển; tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên nhưng không lắp đặt thiết bị VMS hoặc thiết bị VMS không hoạt động, chưa kích hoạt trên hệ thống giám sát tàu cá.
Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển xây dựng, ban hành tiêu chí tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài theo đặc điểm, tình hình từng địa phương làm cơ sở xác định và đưa vào danh sách quản lý, giám sát đặc biệt, phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ, không để vi phạm vùng biển nước ngoài.
Yêu cầu tập trung tại địa bàn thị xã La Gi và các tàu cá nguy cơ cao tại địa bàn TP Phan Thiết. Tiếp tục xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ để củng cố hồ sơ và xử lý nghiêm khắc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chấp pháp trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) để quản lý, kiểm soát tàu cá của tỉnh Bình Thuận hoạt động trên các vùng biển xa, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vượt ranh giới khai thác thủy sản trên biển.
Yêu cầu các tàu cá đánh bắt tại vùng biển xa cung cấp tần số liên lạc vô tuyến điện tầm xa trên tàu để chủ động liên lạc, trao đổi thông tin khi cần thiết.
Công an tỉnh có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an các tỉnh tăng cường công tác điều tra, xác minh các tổ chức, cá nhân có hành vi móc nối, môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài để xử lý nghiêm theo quy định;
Theo dõi chặt số lao động đi trên tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ khi về lại địa phương để xử lý, quản lý, có biện pháp giáo dục, răn đe không để tái phạm…
Bảo Ngọc (Theo báo Pháp luật)