Chống khai thác hải sản bất hợp pháp là vấn đề mà chính quyền và ngư dân Bến Tre đã nhận thức rõ và quyết tâm thực hiện, khẩn trương khắc phục những mặt tồn tại, sớm tháo nút thắt để gỡ “thẻ vàng” của EC.
Bến Tre là địa phương tiếp giáp với Biển, có nghề đánh bắt thủy sản lâu đời, gắn liền với cuộc sống một bộ phận lớn ngư dân. Để đảm bảo nghề khai thác biển ổn định, hòa nhập tình hình khu vực và thế giới, vấn đề chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) là vấn đề đặt ra cấp thiết.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có hơn 3.800 phương tiện khai thác hải sản tập trung ở 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; trong đó có trên 2.100 phương tiện khai thác xa bờ. Qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ và áp dụng các biện pháp chế tài nên việc chấp hành các quy định về IUU của ngư dân được nâng lên rõ rệt. Thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác biển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về lãnh hải. Trong 9 tháng qua, Bến Tre xử phạt vi phạm lĩnh vực này với số tiền 3,2 tỷ đồng.
Để tăng cường công tác quản lý đoàn tàu cá, UBND tỉnh Bến Tre thành lập 2 Tổ chuyên trách giám sát tàu cá thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Hai tổ này chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi, xử lý đối với tàu khai thác vi phạm về vùng, tuyến khai thác; mất tín hiệu giám sát; các hành vi liên quan quản lý, sử dụng thiết bị giám sát. Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre xây dựng cơ chế phối hợp với các tỉnh có liên quan trong quản lý tàu cá của tỉnh hoạt động; ban hành nghị quyết hỗ trợ ngư dân một phần cước phí thuê bao thiết bị giám sát tàu cá trong hai năm.
“Tỉnh Bến Tre đang tập trung công tác tuyên truyền, vận động chiều sâu đến các ngư dân đánh bắt gần đến ranh giới hoặc các tàu thường xuyên hay bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình. Cùng với đó là xử lý nghiêm các trường hợp tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã cam kết với Chính phủ quyết tâm tỉnh không còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài" - ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết thêm.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động Ban Chỉ đạo 689 về Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định diễn ra chiều 14/10, ông Lê Đức Thọ, Bí Thư Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh: “Các địa phương, ngành chức năng tỉnh Bến Tre phải cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Địa phương nào lơ là không quyết liệt, để đến cuối năm 2021 vẫn còn tàu vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước Cấp ủy và Tỉnh ủy".
Theo ông Lê Đức Thọ, với tinh thần quyết tâm của Việt Nam là sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu và nghiêm túc thực hiện cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh với Thủ tướng Chính phủ là cuối năm không còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, tỉnh Bến Tre đề ra nhiều giải pháp thực hiện.
Riêng các địa phương có tàu đăng ký tại Bến Tre nhưng chủ yếu hoạt động tại các tỉnh khác, cần có sự liên kết các tỉnh bạn để quản lý chặt các tàu này, qua đó có phương án tuyên truyền, cũng như xử lý khi tàu cá vi phạm.
Ngoài ra, lực lượng bộ đội biên phòng, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không cho xuất bến đối với các tàu cá không đảm bảo điều kiện theo quy định; kịp thời phát hiện, xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp vượt đường ranh giới trên biển, các trường hợp khai thác hải sản trái pháp luật, vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, các trường hợp môi giới đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài không đúng quy định của pháp luật hoặc tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, 9 tháng năm 2021, số lượng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài giảm, ý thức chấp hành của ngư dân, chủ tàu có nâng lên; tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trương đối tốt, đa số chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản như: bảo đảm an toàn kỹ thuật, giấy phép khai thác, duy trì hoạt động giám sát hành trình khi khai thác, cập cảng, rời cảng…
Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre đã có 98,8% tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá. Số phương tiện còn lại chưa lắp đặt thuộc diện ngưng hoạt động và tàu mất tích. Tuy nhiên, vẫn còn một số phương tiện vi phạm trong đánh bắt thủy sản.
Từ đầu năm 2021 đến nay, có 7 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Tỉnh đã ban hành 4 quyết định xử phạt chủ tàu với tổng số tiền phạt 3,2 tỷ đồng. Hiện 3 tàu còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ để ra quyết định xử phạt.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho hay, thời gian tới, tỉnh sẽ siết chặt xử lý tàu cá vi phạm đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài. Vừa đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân, nhưng cũng đồng thời tăng cường giám sát, xử phạt để người dân nghiêm túc thực hiện.
(Theo báo Thời đại)