Theo văn bản hợp nhất số 17/VBHN-NHNN ngày 25/9/2018 Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (TCTD) là cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ trang trại và các pháp nhân bao gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn nông thôn hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp; doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn ngoại trừ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khai khoáng, sản xuất điện…
Các lĩnh vực cho vay gồm: chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ; phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn; sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp; phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn; phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn; các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.
Chính phủ có chính sách khuyến khích việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua hỗ trợ nguồn vốn, sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, chính sách xử lý rủi ro phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các chính sách khác trong từng thời kỳ.
Nguồn vốn cho vay gồm: nguồn vốn tự có và huy động của TCTD; vốn vay, vốn nhận tài trợ, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vốn ủy thác của Chính phủ để cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ.
Căn cứ vào phương án, dự án sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, TCTD và khách hàng thỏa thuận áp dụng phương thức và quy trình thủ tục cho vay phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng như cho vay lưu vụ, cho vay theo hạn mức tín dụng, cho vay từng lần và các phương thức cho vay khác phù hợp với quy định pháp luật.
TCTD có thể ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện toàn bộ hoặc một số khâu của nghiệp vụ tín dụng khi cho vay đối với khách hàng.
Đáng chú ý, Nghị định quy định, trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; đồng thời căn cứ vào tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét cho vay mới nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện trả được nợ cũ và nợ mới cho tổ chức tín dụng.
Trường hợp khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được TCTD đánh giá chưa có khả năng hoặc không có khả năng trả nợ vay cho tổ chức tín dụng, UBND cấp tỉnh tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính để được xem xét khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại; thời gian khoanh nợ tối đa là 2 năm (một số trường hợp là 3 năm).