Công văn số 248/2013/CV-VASEP: Ý kiến của VASEP về Dự thảo Nghị định nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra

248/2013/CV-VASEP
18/11/2013
26/11/2013 10:43:55 SA
VASEP
Ngày 18/11/2013, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn số 248/2013/CV-VASEP nêu về Dự thảo Nghị định nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.

Tại công văn 248/2013/CV-VASEP, Hiệp hội có ý kiến như sau:

1. Về điều kiện nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra

Để ổn định và quản lý được việc nuôi, chế biến & xuất khẩu cá tra cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp được phát triển trong một cơ chế công bằng, cạnh tranh lành mạnh và nâng cao được giá trị cá tra thì việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra cần được quy định là những hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên các quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Dự thảo Nghị định về điều kiện cơ sở chế biến xuất khẩu không đưa ra những quy định mới về chất, hoặc đổi mới về hình thức so với những quy định mà ngành đang tuân thủ để tạo nên “sản xuất có điều kiện”, mà chỉ sử dụng lại những quy định đã có ở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (ngoại trừ việc phải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi cá sau ngày 31/12/2015). Nội dung quy định doanh nghiệp chế biến phải “thông báo” trước 15 ngày cho cơ quan thẩm quyền là thừa so với quy định hiện hành, được nêu tại Khoản 4 ở cùng Điều 5 của Dự thảo.

Trong 236 đầu mối xuất khẩu cá tra hiện nay, thì 94 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra đã chiếm đến 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành cá tra. Giá trị xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp thương mại thuần túy (không có nhà máy chế biến) chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Một số doanh nghiệp loại này có xu hướng cơ hội, lợi dụng những lỗ hổng trong quản lý Nhà nước, thu gom các nguồn cá kém phẩm chất, thuê chế biến trong những điều kiện không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng phụ gia giữ nước nhằm tăng trọng, rồi chào hàng cạnh tranh bằng giá thấp. Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường, làm giảm chất lượng và hình ảnh cá tra Việt Nam, khiến các nhà nhập khẩu kinh doanh không có lãi, tiết giảm nhập khẩu và có thêm điều kiện để lợi dụng ép giá xuất khẩu xuống thấp. Trong tình hình năng lực chế biến phát triển quá nóng, dư thừa,thì việc hạn chế số lượng đầu mối xuất khẩu không có nhà máy sẽ giúp ổn định cung-cầu và tạo điều kiện để áp dụng các biện pháp quản lý hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra một cách có hiệu quả.

Dự thảo Nghị định đã quy định hoạt động nuôi cá phải tuân thủ các điều kiện về quy hoạch, đăng ký vùng nuôi, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP (hoặc tương đương), tạo ra nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt cho xuất khẩu. Do vậy, cần có các quy định đồng bộ nối liền khâu nuôi với khâu chế biến xuất khẩu, để bảo đảm nguồn nguyên liệu tốt đó trở thành những sản phẩm tốt, có giá trị cao.

Hiệp hội VASEP xin đề xuất: Điều 7 của Nghị định cần bổ sung quy định bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải quản lý và chứng minh được các lô hàng được chế biến và xuất khẩu từ nguyên liệu của những cơ sở nuôi cá đủ điều kiện, đã được cấp phép.

Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định điều kiện xuất khẩu cá tra là các doanh nghiệp có nhà máy chế biến đủ điều kiện chế biến thực phẩm và đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc.

2. Quy định về hàm lượng nước và tỷ lệ mạ băng sản phẩm cá tra

Qua hơn 10 năm phát triển, hiện nay sản phẩm cá tra xuất khẩu đã khá đa dạng, từ các sản phẩm philê đông lạnh cho đến các sản phẩm giá trị gia tăng; tuy nhiên do đặc điểm tiêu dùng của thị trường chủ lực, sản phẩm philê vẫn chiếm tỷ trọng tuyệt đối, đến trên 90%. Do đó, việc thiết lập quy chuẩn chất lượng (chất lượng sàn) chung cho sản phẩm philê cá tra là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm uy tín và hình ảnh của cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại như lạm dụng tăng trọng, lạm dụng mạ băng trong mua bán thương mại.

Dự thảo Nghị định (tại Điều 6, Khoản 3) quy định cụ thể hàm lượng nước (thủy phần) và tỷ lệ mạ băng tối đa đối với philê cá tra là hợp lý và cần thiết, tạo điều kiện cho các nhà máy chế biến nhanh chóng ổn định chất lượng philê cá tra. Tuy nhiên, việc quy định con số cụ thể không thật phù hợp với khuôn khổ Nghị định, mà nên giao cho cơ quan cấp Bộ quy định thành các quy chuẩn cho nhiều loại sản phẩm cá tra xuất khẩu, theo những lộ trình hợp lý, thì sẽ toàn diện hơn, có tính thực thi cao hơn.

Trên cơ sở đó VASEP kính đề nghị Thủ tướng xem xét: không đưa các chỉ tiêu cụ thể về chất lượng sản phẩm philê cá tra đông lạnh xuất khẩu trong Nghị định, mà quy định trách nhiệm của một Bộ cụ thể xây dựng và kiểm soát thực hiện quy chuẩn (các tiêu chuẩn bắt buộc) của quốc gia về chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu.

3. Quy định trách nhiệm của hiệp hội tham gia quản lý các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra

Hiệp hội VASEP là tổ chức xã hội nghề nghiệp của ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đã có hơn 15 năm kinh nghiệm hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản trong việc phát triển và bảo vệ thị trường xuất khẩu, nâng cấp năng lực sản xuất và hội nhập, chủ động tham gia có hiệu quả các hoạt động đấu tranh với các rào cản thương mại quốc tế ngày càng gia tăng.

VASEP tập hợp hầu hết các doanh nghiệp nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đang là lực lượng chủ lực tạo nên động lực thúc đẩy ngành cá tra phát triển. Các thành viên VASEP đang chủ động tự cung cấp hơn 60% sản lượng cá tra nguyên liệu và chiếm trên 80% giá trị xuất khẩu cá tra cả nước. Các doanh nghiệp thành viên đang nỗ lực đầu tư và liên kết, khép kín chuỗi sản xuất cá tra, là tiền đề tốt cho hoạt động quản lý xuyên suốt công tác chất lượng và xuất khẩu từ đầu đến cuối. 

Vân Anh


Văn bản khác

SỐ KÝ HIỆU BAN HÀNH HIỆU LỰC LOẠI VĂN BẢN TIÊU ĐỀ VĂN BẢN FILE
78/CV-VASEP 13/06/2024 Công văn Công văn 78/CV-VASEP: Báo cáo tình hình, kết quả hoạt động Quý II và Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm Quý III, IV năm 2024
3263/BTNMT-TNN 23/05/2024 Công văn Công văn 3263/BTNMT-TNN: triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn Luật Tài nguyên nước 2023
72/CV-VASEP 21/05/2024 Công văn Công văn 72/CV-VASEP: Góp ý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)
70/CV-VASEP 20/05/2024 Công văn Công văn 70/CV-VASEP: xem xét giải quyết nội dung báo cáo-kiến nghị theo CV 43/CV-VASEP ngày 08/4/2024 của VASEP v/v tháo gỡ vướng mắc liên quan đến H/C của nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ New Zealand để chế biến XK vào EU
381/KN-VP 17/05/2024 Công văn Công văn 381/KN-VP: thông báo địa chỉ tiếp nhận thủ tục hành chính liên quan thuộc thẩm quyền của Cục Kiểm ngư
62/CV-VASEP 14/05/2024 Công văn Công văn 62/CV-VASEP: đề xuất giải pháp hoàn thiện thủ tục và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư kinh doanh
54/CV-VASEP 13/05/2024 Công văn Công văn 54/CV-VASEP: Báo cáo, kiến nghị một số bất cập tại NĐ 37/2024/NĐ-CP, NĐ 38/2024/NĐ-CP và một số quy định hiện hành liên quan
2538/CNN-CCPT 09/04/2024 Công văn Công văn 2538/CNN-CCPT: cập nhật Danh sách thị trường yêu cầu thẩm định, cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu đối với thị trường Moldova