Tại công văn số 01/CV-VASEP, Hiệp hội có một số ý kiếm góp ý như sau:
1. Hiệp hội VASEP đánh giá cao về Đề án này. Hiệp hội nhất trí hoàn toàn về sự cần thiết phải xây dựng Đề án thiết lập hệ thống thông tin điện tử nói trên để có thể công khai, minh bạch tất cả các TTHC, huy động người dân tham gia tích cực trong việc phản ánh, kiến nghị về những vướng mắc khó khăn trong thực hiện chính sách và theo dõi, giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền. Đặc biệt, việc thực hiện mã hóa các Hồ sơ giải quyết TTHC là mấu chốt cơ bản để có thể kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức, kịp thời xử lý những hành vi những nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC và giúp Bộ Tư pháp có thể đánh giá được tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền, khắc phục được những tồn tại và hạn chế trong công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị hiện nay (thủ công, thiếu sự công khai minh bạch, thiếu cơ chế kiểm soát việc giải quyết TTHC…), thúc đẩy công tác CCTTHC ngày càng đạt hiệu quả hơn.
2. Hiệp hội VASEP nhất trí với mục tiêu và tính năng của hệ thống thông tin đã đưa ra trong Đề án. Những tính năng cơ bản của Hệ thống thông tin đủ để đảm bảo hỗ trợ cho công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, quản lý được các thông tin phản ánh kiến nghị thông qua nhiều kênh, đồng thời kiểm soát được việc thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt tính năng hỗ trợ xây dựng dự thảo TTHC, công bố, công khai TTHC, rà soát, đánh giá TTHC là rất cần thiết trong tình hình ban hành các văn bản dưới Luật không phù hợp với luật pháp Việt nam và theo thông lệ quốc tế hiện nay.
3. Phần Nhiệm vụ và Giải pháp chủ yếu của Đề án có nêu qua vấn đề tập huấn, đào tạo cho cán bộ, công chức tại 4 cấp chính quyền (ở mục 3 phần III) nhưng mới chỉ nêu chung chung, chưa cụ thể; cần phải bám sát vào những tồn tại và hạn chế hiện nay của hệ thống để đề xuất những chương trình đào tạo cụ thể và cần thiết (đào tạo ở những lĩnh vực nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm, nguồn kinh phí…). Cần bổ sung thêm trong phần Tổ chức thực hiện để đảm bảo khi triển khai thực hiện sẽ thông suốt và đồng bộ, đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra.
4. Phần lộ trình thực hiện mới chỉ nêu đầu mục công việc, chưa nêu chi tiết Kế hoạch các bước công việc cần thực hiện để đạt được các mục tiêu đó. Cần bổ sung thêm chi tiết về kế hoạch hoạt động để thực hiện mục tiêu và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong Phụ lục kèm theo để triển khai thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng như hiện nay, trong thành tích của nhiều Bộ ngành, địa phương làm tốt công tác CCTTHC, nhưng vẫn có nhiều bộ ngành, địa phương vẫn chưa làm tốt đã gây khó khăn cho người dân sở tại mà không kiểm soát được.
5. Nội dung Đề án vẫn thiếu phần truyền thông, phổ biến thông tin về nội dung và hoạt động của Đề án rộng rãi để thu hút mọi tổ chức, cá nhân cùng tham gia đóng góp trí tuệ và tiền của để thực hiện thành công Đề án, góp phần hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả, tạo mọi thuận lợi cho DN và người dân.
Vân Anh