Ðiều 2. Giải thích từ ngữ
1. Nguồn lợi thủy sảnlà tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên, có giá trị kinh tế, khoa học để phát triển nghề khai thác thủy sản, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.
2. Hoạt động thủy sản là việc tiến hành khai thác, nuôi trồng, vận chuyển thủy sản khai thác; bảo quản, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản; dịch vụ trong hoạt động thủy sản; điều tra, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
3. Tái tạo nguồn lợi thủy sản là quá trình tự phục hồi hoặc hoạt động làm phục hồi, gia tăng nguồn lợi thủy sản.
4. Khai thác thủy sản là việc khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển, sông, hồ, đầm, phá và các vùng nước tự nhiên khác.
5. Ngư trường là vùng biển có nguồn lợi thủy sản tập trung được xác định để tàu cá đến khai thác.
6. Ðất để nuôi trồng thủy sản là đất có mặt nước nội địa, bao gồm ao, hồ, đầm, phá, sông, ngòi, kênh, rạch; đất có mặt nước ven biển; đất bãi bồi ven sông, ven biển; bãi cát, cồn cát ven biển; đất sử dụng cho kinh tế trang trại; đất phi nông nghiệp có mặt nước được giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản.
7. Mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản là vùng nước biển được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản.
8. Giống thủy sản mới là giống thủy sản lần đầu tiên được nhập vào hoặc lần đầu tiên được tạo ra ở Việt Nam.
9. Tàu cá là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác chuyên dùng cho khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản.
10. Cảng cá là cảng chuyên dùng cho tàu cá, bao gồm vùng đất cảng và vùng nước đậu tàu. Vùng đất cảng bao gồm cầu cảng, kho bãi, nhà xưởng, khu hành chính, dịch vụ hậu cần, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản.
11. Cá nhân trong Luật này là người trực tiếp hoạt động thủy sản hoặc người đại diện của hộ gia đình đăng ký kinh doanh hoạt động thủy sản.
Ðiều 3. Sở hữu nguồn lợi thủy sản
Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có quyền khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật.
Ðiều 4. Nguyên tắc hoạt động thủy sản
1. Bảo đảm hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, tính đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Việc phát triển các lĩnh vực trong hoạt động thủy sản phải theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành thủy sản trong phạm vi cả nước và của từng địa phương.
2. Chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ tác hại của thiên tai và dịch bệnh thủy sản; bảo đảm an toàn cho người, tàu cá, công trình và thiết bị trong hoạt động thủy sản.
3. Hoạt động thủy sản phải kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên sông, biển; tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.