Mục tiêu của Kế hoạch là nhằm giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng hóa chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm tươi sống (rau, thịt, thủy sản), giảm thiểu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, thủy sản nuôi nhằm cải thiện niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản. Đồng thời, giúp nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu, các thực phẩm tươi, sống như rau, thịt, thủy sản.
Trong năm 2017, Ban chỉ đạo sẽ tập trung triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm.
Theo đó, tại trung ương, Ban chỉ đạo sẽ huy động các cơ quan thông tấn báo chí tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo diễn đàn trao đổi sâu rộng giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm rau, thịt theo pháp luật; Quản lý kinh doanh rau, thịt, thủy sản tươi sống trong các chợ đầu mối, cửa hàng chuyên doanh, các siêu thị, chợ bán lẻ, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống. Ngoài ra, sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó công khai tên các cơ sở cung cấp rượu, các sản phẩm rau, thịt không đảm bảo an toàn và biểu dương các cơ sở cung cấp sản phẩm rau, thịt đảm bảo an toàn. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và bảo đảm an toàn rượu, thực phẩm rau, thịt, thủy sản tươi sống nói riêng.
Tại địa phương, Sở Y tế phối hợp với các Sở, ban ngành, tổ chức chính trị, xã hội tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm. Huy động hệ thống loa truyền thanh xã/phường tham gia tuyên truyền an toàn thực phẩm.
Nội dung tuyên truyền trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm sẽ tập trung vào việc hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng rượu, rau, thịt, thủy sản an toàn. Đặc biệt, nói không với sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, chất cấm trong chăn nuôi; thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia; điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến rau, thịt, thủy sản tươi sống; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu; Tuyên truyền, phổ biến, tăng cường nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5/2017 có sự tham gia của các Bộ: Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương và các Bộ, ngành liên quan. 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành sẽ được tổ chức và tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh/Thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Lào Cai, Lai Châu, Đắc Lắc, Gia Lai, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận và Phú Yên.