Nafiqad cho biết, theo quy định của Ủy ban Châu Âu, để được XK phụ phẩm động vật và thức ăn chăn nuôi từ nước thứ ba vào EU, nước thứ 3 phải đáp ứng các điều kiện tương đương với EU (hệ thống văn bản pháp luật, điều kiện vệ sinh của cơ sở sản xuất kinh doanh, hoạt động giám sát dịch bệnh, tồn dư hóa chất, kháng sinh…); thủ tục đăng ký để một nước/DN vào danh sách được phép XK vào EU tương tự thủ tục đăng ký/công nhận đối với XK sản phẩm có nguồn gốc động vật làm thực phẩm.
Đối với cụ thể từng cơ sở, yêu cầu cơ sở chế biến, vận chuyển, kinh doanh thức ăn gia súc đều phải áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP; đồng thời, phải đáp ứng các yêu cầu về phần cứng cơ sở chế biến (ví dụ: có cấu trúc cho phép làm sạch và khử trùng hiệu quả, có thiết bị phù hợp cho vệ sinh cá nhân như nhà vệ sinh, phòng thay đồ và bồn rửa cho công nhân…)
Để có căn cứ thông báo tới Cơ quan thẩm quyền EU đề nghị xem xét công nhận danh sách các DN đăng ký XK phụ phẩm động vật và thức ăn chăn nuôi vào thị trường EU, Nafiqad đề nghị các DN chế biến thủy sản có nhu cầu XK phụ phẩm động vật và thức ăn chăn nuôi vào thị trường EU, chủ động rà soát và nâng cấp điều kiện sản xuất, thiếp lập chương trình quản lý chất lượng theo HACCP phù hợp.
Đồng thời, trước ngày 5/10/2013, đăng ký nhu cầu XK vào EU theo mẫu gửi về Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam bộ, Trung bộ theo địa bàn phụ trách, riêng đối với các DN thuộc khu vực Bắc bộ thì gửi đăng ký về Nafiqad.
Trước đó, Nafiqad cho biết, thời gian qua, Cục đã nhận được văn bản của một số DN chế biến thủy sản đề nghị hướng dẫn thủ tục XK bột cá, đầu, vỏ tôm vào thị trường EU làm thức ăn cho động vật.