(vasep.com.vn) Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Mục tiêu đến hết năm 2017, 100% cơ sở nuôi tôm tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm; không mua tôm tạp chất.
Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước.
Từ năm 1996, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm mục đích gian dối về kinh tế (làm tăng khối lượng, làm thay đổi kết cấu, lừa dối cảm giác về độ tươi...) đã trở thành vấn nạn. Siêu lợi nhuận từ việc đưa tạp chất vào tôm đã khiến cho một số cá nhân bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi tổ chức và đưa tạp chất vào tôm vào nguyên liệu thủy sản, thậm chí, đã có lúc, đưa tạp chất vào tôm trở thành một “nghề” có tổ chức ở một số địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Hành vi đưa tạp chất vào tôm ngày càng tinh vi hơn như: bơm/ngâm nước, bơm tạp chất pha loãng để đối phó với việc kiểm tra, phát hiện tạp chất của cơ quan chức năng... Đồng thời, việc đưa tạp chất vào tôm thường diễn ra vào các thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL.
Ngày 01/8/2014, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, trong đó giao Bộ NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ Công An, Công Thương, Tài chính khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.
Sau khi lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và VASEP, Bộ NN và PTNT đã nghiên cứu và tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Một trong những nhiệm vụ và các giải pháp chính của Đề án là tuyên truyền phổ biến pháp luật, ký cam kết, phát hiện và tố giác tội phạm. Theo đó, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, hoàn thiện Chương trình Các doanh nghiệp chế biến tôm “nói không với tôm tạp chất” vận động các doanh nghiệp hội viên sản xuất chế biến tôm tham gia Chương trình.
Hội, hiệp hội ngành nghề khác có liên quan đến sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm (các hội/hiệp hội thủy sản các địa phương, Hội Nghề cá Việt Nam,…) tuyên truyền, phổ biến, vận động các hội viên tuân thủ các quy định pháp luật về kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cho các đối tượng có liên quan về: Nguy cơ, tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất; cách thức nhận biết sản phẩm tôm có tạp chất và tố giác hành vi vi phạm tạp chất; các chế tài xử lý phải chấp hành khi bị phát hiện vi phạm tạp chất.
Riêng đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, chỉ đạo thành lập các đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác hành vi vi phạm tạp chất trong tôm tại các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp; chỉ đạo việc tổ chức ký cam kết không vi phạm tạp chất, công bố công khai danh sách các cơ sở đã ký cam kết theo địa bàn.
Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp với các kênh phương tiện thông tin đại chúng đăng tải bản tin về tình hình bơm chích tạp chất vào tôm và công khai tên, địa chỉ và kết quả xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về tạp chất.
Về việc kiểm tra, Bộ NN và PTNT tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm soát, ngăn chặn tạp chất kết hợp kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản xuất khẩu và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời, Bộ NN và PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm soát, ngăn chặn tạp chất của các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm trong quá trình vận chuyển, lưu thông, phân phối sản phẩm trên thị trường và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Bộ Công an tổ chức triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, trinh sát để đấu tranh phòng ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định về kiểm soát ngăn chặn tạp chất kết hợp kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản tiêu thụ nội địa trên địa bàn và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Để hoạt động phòng chống tôm tạp chất theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Chính phủ đạt kết quả cao, từ năm 2014 Hiệp hội VASEP đã đề nghị các doanh nghiệp nhiệt liệt hưởng ứng chương trình ngăn chặn hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu như tinh thần của chỉ thị.
Trước đó, tháng 7/2009, VASEP đã tổ chức "Hội nghị DN chế biến XK thủy sản Nói không với bơm chích tạp chất" tại Tp.Cà Mau và khởi động cho Chương trình "Nói không với tôm bơm chích tạp chất".
Vui lòng xem TẠI ĐÂY các nội dung, diễn biến của chương trình.