(PL&XH) – Việc công bố phù hợp với quy định ATTP là biện pháp quản lý theo phương thức “tiền kiểm” thực chất ít hiệu quả, gây phiền hà, tốn kém cho DN, cần chuyển sang áp dụng phương thức quản lý “hậu kiểm”.
Chiều 30-6, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và một số hiệp hội doanh nghiệp (DN) đã tổ chức hội thảo “An toàn thực phẩm – Từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP”.
Dẫn chứng Báo cáo của Chính phủ cho biết 99% nguy cơ ngộ độc là do thức ăn hàng ngày, chỉ có khoảng dưới 1% nguy cơ ngộ độc là do thực phẩm bao gói sẵn, trong khi đó, việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) với các DN hiện nay lại phần lớn “nhằm” vào thủ tục “công bố xác nhận phù hợp ATTP”, nhiều chuyên gia kinh tế và pháp lý cùng cho rằng, thủ tục này vừa không hợp pháp, vừa thiếu tính thực tiễn.
Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho hay, Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm là văn bản mà VCCI nhận được nhiều phản ánh của các DN. Theo đó, các DN phản ánh thủ tục công bố phù hợp ATTP theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP chưa hợp pháp, chưa minh bạch, có tình trạng DN “biết điều” thì sẽ được giải quyết nhanh, nếu không sẽ bị kéo dài. “Yêu cầu quản lý là cần thiết, nhưng cách thức, trình độ quản lý cần thay đổi để phù hợp thực tế”, ông Tuấn nói.
Luật sư Trương Ngọc Hân, đại diện Ủy ban thực phẩm và đồ uống, Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam Amcham cho rằng, quy định về công bố xác nhận phù hợp ATTP là quy định trái 3 luật: Luật ATTP, Luật tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật và Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật. Bà Hân cũng ví dụ, một hồ sơ công bố xác nhận phù hợp ATTP thực tế phải mất hàng tháng trời, thậm chí có hồ sơ lên đến 6 tháng trời, bổ sung hồ sơ đến 5 lần vẫn chưa xong. “Thông lệ quốc tế không nước nào có yêu cầu công bố phù hợp ATTP như Việt Nam, người ta kiểm tra nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất chứ không kiểm tra trên giấy tờ như ở Việt Nam”, bà Hân nói. Trong khi đó, những chi phí DN phải bỏ ra để thực hiện các TTHC thì người tiêu dùng phải gánh chịu. “Chúng tôi ủng hộ nhà nước quản lý ATTP để thanh lọc các DN không đảm bảo ATTP, nhưng phải quản lý phù hợp thực tiễn cũng như thông lệ quốc tế, tránh cho DN tốn thời gian, công sức vào thực hiện các thủ tục, giấy tờ không cần thiết”, bà Hân nói.
Đại diện Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cũng cho rằng, thủ tục đăng ký bản công bố phù hợp ATTP là mâu thuẫn với Luật ATTP, gây nhiều khó khăn cho DN, cản trở quá trình nhập khẩu lưu thông hàng hóa, mà vẫn không đáp ứng yêu cầu về quản lý ATTP.
Ông Phạm Thanh Bình (chuyên gia Dự án USAID GIG, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan) nhận định: “Vì có quy định công bố phù hợp với quy định ATTP mà Bộ Y tế nói riêng và các bộ có chức năng quản lý ATTP nói chung không chịu xây dựng các quy chuẩn cần thiết, dẫn tới phần lớn các sản phẩm thực phẩm được quản lý một cách tùy tiện. Cũng vì thiếu qui chuẩn nên thủ tục không minh bạch, hoàn toàn phụ thuộc vào sự giải thích của Cục ATTP, gây khó khăn cho DN”, ông Bình nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc công bố phù hợp với quy định ATTP là biện pháp quản lý theo phương thức “tiền kiểm” thực chất ít hiệu quả, gây phiền hà, tốn kém cho DN, cần chuyển sang áp dụng phương thức quản lý “hậu kiểm” (kiểm tra, thanh tra theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn do cơ sở công bố áp dụng) nhằm tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh của DN.
Phương Thảo / PL&XH