Quản lý an toàn thực phẩm: Bãi bỏ những quy định mơ hồ

Tại hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng tại Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 38/2012/ND-CP” nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục cấp giấy tiếp nhận hợp quy và giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn vệ sinh thực phẩm có nhiều nội dung không rõ ràng, điều kiện để được chứng nhận phù hợp rất mơ hồ, nên cần bãi bỏ.

 Tốn thời gian, tăng chi phí

Có thể thấy, Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25.4.2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được ban hành đã góp phần tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong thực thi Pháp lệnh An toàn thực phẩm trước đây. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định 38/2012/NĐ-CP, cộng đồng các doanh nghiệp thực phẩm đã gặp phải một số vướng mắc, bất cập, làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng hành chính đối với doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2012/NĐ-CP theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy vậy, một số điểm bất cập lớn vẫn chưa được giải quyết trong dự thảo nghị định sửa đổi. Các ý kiến doanh nghiệp đã dẫn ra rằng, thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP không có trong Luật An toàn thực phẩm, nhưng lại là quy định đang được áp dụng rộng rãi, phổ biến. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ đã phải tiêu tốn trên 4 tháng mới xin được giấy tiếp nhận hợp quy, mặc dù sản phẩm đã có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng theo quy chuẩn khi nộp hồ sơ.

Theo Trưởng ban Pháp chế - Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn việc quản lý chất lượng ATTP qua thủ tục công bố hợp quy, công bố phù hợp ATTP như hiện nay là không phù hợp. Cụ thể, theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP, để đưa một sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn ra thị trường, đầu tiên doanh nghiệp phải gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm. Nếu đạt chất lượng thì doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm rồi nộp hồ sơ gửi Cục ATTP - Bộ Y tế xin xác nhận công bố phù hợp ATTP. Lúc này, Cục ATTP sẽ thẩm xét giấy tờ rồi cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP. Việc quản lý bằng thủ tục kể trên không có tác dụng bảo đảm ATTP vì Cục ATTP không kiểm tra cơ sở sản xuất mà chỉ thẩm xét dựa trên tài liệu, hồ sơ. Mặt khác, việc nặng vào quản lý dựa trên hồ sơ, giấy tờ như vậy không chỉ gây tốn kém thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp mà còn thiếu minh bạch, dễ nảy sinh tiêu cực để “hành” doanh nghiệp. Điều này cho thấy cơ quan quản lý đang trút gánh nặng tài chính lên doanh nghiệp và cuối cùng người tiêu dùng là đối tượng phải chịu chi phí do giá thành sản phẩm tăng lên.

Đồng quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh cũng cho rằng, thủ tục hiện nay đang kéo dài vô lý. Việc lấy mẫu để kiểm tra đã rất lạc hậu, làm sao có thể dựa vào việc lấy mẫu để nói đó là thực phẩm an toàn, vì mẫu đó không thể đại diện được cho chất lượng của bao nhiêu hàng hóa.

Bãi bỏ quy định không phù hợp

Nguyên Cục trưởng Cục Khảo sát sau thông quan, Tổng Cục Hải quan Phạm Thanh Bình cho biết: Tính đến chiều 29.6.2017, số hồ sơ đang chờ cấp chứng nhận tại Cục ATTP (Bộ Y tế) là hơn 9.000. Số hồ sơ đang được xử lý tại đây là gần 5.000. Như vậy, số hồ sơ tồn đọng, đang xem xét tại đây là khoảng 15.000 hồ sơ. Với số lượng như vậy thì việc kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận là đương nhiên, dẫn đến việc các doanh nghiệp phải kêu ca, phản ánh. “Chúng tôi kiến nghị nên bãi bỏ quy định công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm, bởi tính không hiệu quả và không bảo vệ người tiêu dùng…”, ông Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bình, trong thủ tục công bố sản phẩm, một công việc mất nhiều chi phí và thời gian là kiểm nghiệm. Theo dự thảo Nghị định thì dù là tự công bố, doanh nghiệp vẫn phải tiến hành kiểm nghiệm và phải kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Tức là, về cơ bản, chẳng khác gì việc công bố trên cơ sở chứng nhận hợp quy. Do vậy, đề nghị quy định, trường hợp doanh nghiệp tự công bố thì việc có cần kiểm nghiệm hay không là do doanh nghiệp quyết định.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng kiến nghị, những quy định không phù hợp thì nên được bãi bỏ. Thứ nhất, bãi bỏ quy định cấp giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và chuyển sang hình thức chứng nhận hợp chuẩn theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật tại các tổ chức được chỉ định bởi các cơ quan có thẩm quyền (đã có 37 tổ chức được chỉ định trên cả nước) do hình thức Công bố phù hợp quy định ATTP không có quy định trong Luật ATTP và thực hiện thời gian 4 năm qua cho thấy sự bất cập, vướng mắc như tính chất của một “giấy phép con”.

Thứ hai, trong khi chưa sửa được Luật ATTP, thì không cần thực hiện công bố hợp quy với các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn đối với tất cả những nước mà hiện tại Việt Nam đã ký kết FTA hoặc đã có những sự công nhận các giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, chứng thư ATTP. Ít nhất, chúng ta nên áp dụng cho các nước có mức độ ATTP rất cao như: EU, Mỹ, Australia, New Zealand, Canada và Nhật Bản. Với cách thức này, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu sẽ có trách nhiệm thông báo đến cơ quan nhà nước liên quan, nộp các chứng từ nhập khẩu kèm theo, ghi nhãn phụ hàng hóa để nhận dạng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về nội dung ghi nhãn. Đây cũng là cách mà các nước EU đang quản lý tương tự cho hàng thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Cao Sơn

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM