(Chinhphu.vn) - Mất hàng tháng trời để làm thủ tục và chờ đợi, cuối cùng doanh nghiệp cũng chỉ nhận được một giấy xác nhận trong đó ghi rằng doanh nghiệp, chứ không phải cơ quan cấp giấy, phải tự chịu trách nhiệm đối với những gì đã công bố.
Nhận xét nói trên về thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) trong 38/2012/NĐ-CP được đưa tại hội thảo ngày 30/6 về những vướng mắc trong Nghị định này.
Hôi thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) và Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) cùng phối hợp tổ chức.
Cách đây vài ngày, VASEP đã có kiến nghị gửi các cơ quan về việc sửa đổi Nghị định này, trong đó vấn đề nổi lên chính là thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, nhiều năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh thủ tục nói trên không phù hợp với Luật ATTP và Luật Quy chuẩn và Tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ông cho rằng: “Các hồ sơ, thủ tục quá nhiều, điều kiện để được chứng nhận phù hợp không rõ ràng gây ra sự tùy tiện, bắt buộc sửa đổi hồ sơ nhiều lần dẫn tới tốn kém không cần thiết về thời gian và chi phí cho DN. Chi phí tăng làm cho giá thành sản phẩm tăng. Từ đó, làm giảm năng lực cạnh tranh của DN, giảm tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế”.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Nghị định 38 là một trường hợp khá hiếm khi nhận được rất nhiều kiến nghị, phản ánh, yêu cầu sửa đổi, nhất là về việc bãi bỏ, thay thế quy định xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.
“Với quy định này các cơ quan quản lý đang lựa chọn cách quản lý dễ nhưng lại tạo gánh nặng lên doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Mặc dù yêu cầu quản lý rất cần thiết nhưng cách thức quản lý, trình độ quản lý cần phải thay đổi nhanh chóng”, ông Đậu Anh Tuấn nhận định, đồng thời đề xuất cần tách biệt cơ quan soạn thảo chính sách với cơ quan cấp phép.
Luật sư Trần Ngọc Hân, đại diện Ủy ban Thực phẩm và đồ uống, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) nêu nhận định, về mặt quản lý, Cục ATTP cho rằng xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP là để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, bảo đảm môi trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam. Tuy nhiên, Amcham khẳng định quy định này không phải là biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.
Bởi theo Báo cáo số 37/BC-CP ngày 3/2/2017 của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016, có tới hơn 98% vụ ngộ độc xảy ra từ thức ăn tại nhà, nhà hàng, lễ hội, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, trong khi chỉ có hơn 1% ngộ độc từ thực phẩm bao gói sẵn.
Theo bà Ngọc Hân, “các cơ quan chức năng đang dồn mọi nỗ lực của mình để kiểm soát 1% nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, thay vì 98-99% nguy cơ thực sự xuất hiện hàng ngày với người tiêu dùng. Vậy câu hỏi đặt ra là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng ở khía cạnh nào?”
Bà cũng nêu quan điểm ủng hộ của Amcham đối với việc quản lý ATTP, tuy nhiên việc này phải tiến hành hợp lý phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế để bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Chứ không phải 1 quy định mà DN phải mất hàng tháng trời để chờ đợi, cuối cùng ra một giấy xác nhận trong đó ghi rằng DN phải tự chịu trách nhiệm đối với những gì đã công bố mà không phải là cơ quan cấp phép”, bà Hân nói.
Về vấn đề này, ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia Dự án USAID cho biết thêm, trong tất cả quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) đã có do Bộ Y tế chủ trì công bố không có QCKT nào về bếp ăn tập thể, trong khi đây là nơi có nguy cơ cao nhất về mất vệ sinh, ATTP, đáng lẽ phải được Bộ Y tế ưu tiên.
Theo ông Phạm Thanh Bình, có một số chỉ tiêu ATTP và chỉ tiêu dinh dưỡng cần có mức giới hạn để bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng, nhưng do sự trì trệ của Bộ Y tế và các bộ liên quan khác nên chưa có quy chuẩn.
Để xử lý bất cập này, ông đề nghị các bộ liên quan phải tích cực xây dựng các quy chuẩn; mặt khác, giao Bộ Y tế và các bộ có chức năng quản lý ATTP quy định chỉ tiêu ATTP và chỉ tiêu dinh dưỡng cần có mức giới hạn đó.
Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thực phẩm căn cứ các quy định đó để thực hiện, công bố rõ trên nhãn sản phẩm để người tiêu dùng biết và để cơ quan quản lý kiểm tra. Doanh nghiệp hoàn toàn không phải làm thủ tục công bố tại Cục ATTP.
Ông Trần Văn Châu, đại diện Cục ATTP, Bộ Y tế cam kết ghi nhận những băn khoăn của các hiệp hội doanh nghiệp, tuy nhiên việc sửa đổi các quy định cần tuân thủ quy định của luật và cần xem xét, cân nhắc kỹ.
Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng đại diện Cục ATTP chưa có câu trả lời thuyết phục, chưa đáp ứng được mong mỏi và băn khoăn đối với những ý kiến xây dựng của các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, việc sửa đổi Nghị định 38 vẫn là một câu chuyện phải đưa ra bàn thảo.
Thu Hương