(Ngày Nay) - Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm (ATTP) đã ra đời từ 2012 nhưng sau 5 năm, nhiều bất cập về kiểm tra an toàn thực phẩm, công bố hợp quy và công bố an toàn thực phẩm vẫn “hành” doanh nghiệp, nhất là thủ tục công bố phù hợp an toàn thực phẩm đang bị coi là trái luật và cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Quản lý theo kiểu “dàn hàng ngang”
Quá nhiều vướng mắc do Nghị định 38 gây ra từng được cộng đồng doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị. Trong Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP” do Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức ngày 30/6, một lần nữa vấn đề này lại được “mổ xẻ”.
Vướng mắc được nhiều doanh nghiệp bàn tới là một số quy định tại Nghị định 38 không có trong Luật ATTP - văn bản pháp luật cao nhất mà nghị định này hướng dẫn. Điều này được ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng phòng pháp chế VCCI phân tích: Nghị định 38 yêu cầu cấp giấy xác nhận công bố phù hợp các quy định an toàn thực phẩm là chưa phù hợp với Luật An toàn thực phẩm.
"Yêu cầu công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hiện nay không có trong Luật An toàn thực phẩm. Ngay trong hồ sơ, thủ tục cấp giấy tiếp nhận hợp quy và xác nhận công bố, nhiều điểm chưa phù hợp. Hồ sơ tiếp nhận hợp quy trong Nghị định 38 có các mục quy định còn “vênh” so với Luật quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật. Cùng với đó, trong Nghị định 38, có nhiều quy định chung chung như: sửa theo các quy định của pháp luật, sửa nhãn cho phù hợp. Tuy nhiên, điều băn khoăn ở đây, như thế nào là “phù hợp”, như thế nào là theo quy định của pháp luật?" - ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Đại diện Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa quan điểm, “việc công bố chất lượng ATTP là đúng luật, chúng tôi luôn cố gắng tuân thủ tốt, nhưng khó quá vì chỗ quy trình công bố biến thành quy trình đăng ký, các hồ sơ giấy tờ phải nộp, một quá trình thẩm xét 4 bước tại Cục… ". Nhiều trường hợp phải làm lại và phải tính lại thời gian, rất nhiều trường hợp phải tính lại thời gian dài hơn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh khiến các doanh nghiệp rất nghẹt thở, "cái nghẹt thở ấy lặp lại nhiều lần”.
Cũng theo ông Nam, Nghị định chưa giải quyết được chuyện một sản phẩm - một đơn vị quản lý. “Rất nhiều sản phẩm vẫn một sản phẩm 2 Bộ, phải có 2 tờ giấy của 2 Bộ mới thông qua được. Một điểm nữa khi đi làm mới thấy. Tại sao Việt Nam đứng trên góc độ là quản lý rủi ro, mà tất cả các hàng, từ các nguồn gốc khác nhau, từ những nước G7 cho đến những nước mà hiện nay có vấn đề về ATTP đều bị đi vào một guồng kiểm trạm gần như là 100%. Tại sao tất cả các loại hàng khác nhau, dù là nguồn gốc khác nhau, dù là đẳng cấp thương hiệu quốc tế, được chứng nhận nọ kia ở các cấp khác nhau đều vào một cái guồng giống hệt nhau? Chúng tôi gọi một từ là: dàn hàng ngang”.
Ông Trần Văn Châu – Trưởng phòng thanh tra Cục ATTP đặt câu hỏi, tại sao hiện nay vẫn tồn tại thực trạng 97,76% công bố ATTP không đúng luật, chỉ có 2,24% là công bố theo đúng luật, tỉ lệ đúng luật chỉ có 2,24%?
Còn theo luật sư Trần Ngọc Hân (Công ty Russin Vecchi), đại diện Amcham, Cục nỗ lực cải tiến quy trình xác nhận, công bố an toàn thực phẩm theo hướng một cửa nhưng lại quá… nhiều khóa, “phải đi qua rất nhiều cái khóa mới đúng là một cửa”.
Tìm giải pháp hài hòa giữa nhà nước và doanh nghiệp
Khảo sát mới nhất của VCCI cho thấy, thủ tục thông quan một lô hàng hóa trong vòng 48 tiếng theo đúng thông lệ quốc tế ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 38%. Trong đó, thủ tục hải quan chiếm 28% thời gian, 78% còn lại là thủ tục chuyên ngành. Việc thông quan đối với hàng hóa cần kiểm tra an toàn thực phẩm, dữ liệu hải quan lấy 104 mẫu thì có trường hợp mất tới 16 ngày... Rõ ràng Nghị định 38 đang làm khó doanh nghiệp. Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, thực tiễn cho thấy việc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm không có tác dụng tăng cường hiệu quả quản lý, đề nghị bãi bỏ quy định này và thay thế bằng hình thức khác phù hợp pháp luật hiện hành.
Để tránh sự nhiêu khê đang “hành” nhiều doanh nghiệp, theo ông Đậu Anh Tuấn, Nghị định sửa đổi trong thời gian tới rất cần được quy định minh bạch và rõ ràng hơn.
Kiểm tra chất lượng ATTP: “Một cửa nhưng quá nhiều... khóa” - ảnh 3TS Nguyễn Đình Cung - Viên trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo
TS Nguyễn Đình Cung – Viên trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, “người dân nói phức tạp là phức tập đấy, doanh nghiệp nói phức tạp là phức tạp đấy”.
Theo ông Cung, những ý kiến của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong hội thảo sẽ là áp lực đối với ba Bộ liên quan: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Ông mong muốn các Bộ liên quan sẽ sửa đổi những điều khoản gây rắc rối cho doanh nghiệp, giảm chi phí, giảm thời gian, giảm những gì không cần thiết, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, để họ có niềm tin rằng nhà nước lắng nghe họ. Bởi những băn khoăn về quy định “công bố phù hợp an toàn thực phẩm” được các doanh nghiệp nhiều lần đề nghị bãi bỏ.
“Nếu không sửa đổi gì, doanh nghiệp sẽ mất niềm tin, chúng ta sẽ mất nhiều thứ khác. Tôi hy vọng hội thảo sẽ thúc đẩy cải cách, thay đổi cách quản lý, góp phần vào thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng một nhà nước kiến tạo, một nhà nước phục vụ, một nhà nước vì doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp” – ông Cung khẳng định.