BizLIVE - Cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần, nhiều nơi, nhiều năm kêu về thủ tục “Chứng nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm” nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trong khi, quy định này không phù hợp với Luật vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như Luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng.
Tại Hội thảo "An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại nghị định sửa đổi nghị định 38/2012/NĐ-CP", TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Thực hiện thi hành Nghị định 38 nổi lên 2 vấn đề vướng mắc đối với cộng đồng doanh nghiệp, một là thủ tục hành chính “Chứng nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm” và thứ 2 là thủ tục hành chính liên quan đến “Chứng nhận phù hợp quy chuẩn”.
"Với hai vướng mắc này, cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần, nhiều nơi, nhiều năm kêu ca nhưng chưa được giải quyết. Về thủ tục Chứng nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm, theo tôi không phù hợp với Luật vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như Luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng", ông Cung cho biết.
Đồng thời, cách quản lý như vậy cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế, trong thủ tục hành chính thì hồ sơ quá nhiều, điều kiện không rõ ràng thậm chí rất tuỳ tiện, trình tự thủ tục quá nhiều. Cách thức quản lý như vậy vừa trái luật, vừa không hiệu lực và gây phiền hà, tốn kém rất nhiều cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm với ông Cung, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế cũng cho rằng: “Thủ tục cấp Giấy chứng nhận phù hợp với vệ sinh an toàn thực phẩm chưa có cơ sở rõ ràng, thời gian thực hiện thủ tục quá lâu. Có doanh nghiệp cho biết họ mất 6 tháng để được cấp Giấy chứng nhận trong khi thông thường chỉ 7 ngày và Nghị định 38 cũng quy định thủ tục cấp phép phải xong trong tối đa 30 ngày làm việc (tương đương 1,5 tháng).
Việc xem xét cấp giấy phép này cũng nặng tính chủ quan, thủ tục hành chính mà có quá nhiều thủ tục khi đã hậu kiểm chất lượng sản phẩm cuối cùng mà còn yêu cầu doanh nghiệp nộp hồ sơ cho từng loại nguyên liệu nhập khẩu.
Điều này cho thấy, cơ quan quản lý đang “trút toàn bộ” gánh nặng tài chính lên doanh nghiệp và cuối cùng, chính người tiêu dùng mới là đối phải chịu chi phí do giá thành sản phẩm tăng lên.
Không những cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi và Chính phủ cũng đã nhiều lần ra nghị quyết yêu cầu sửa đổi. Trong Nghị quyết số 19 đã yêu cầu bổ sung sửa đổi Nghị định này, Phó Thủ tướng và Bộ Y tế cũng đã yêu cầu rà soát sửa đổi, đơn giản hoá thủ tục nhưng đến bây giờ vẫn chưa sửa đổi. Thậm chí, trong Nghị định 38 sửa đổi thì điểm này vẫn chưa được rà soát.
Trong nhiều năm qua cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh đã phản ánh về thủ tục công bố phù hợp với an toàn thực phẩm. Bởi quy định cấp giấy chứng nhận này có hồ sơ quá nhiều, nội dung không rõ ràng, đặc biệt là các điều kiện để được chứng nhận là phù hợp với vệ sinh an toàn thực phẩm rất “mơ hồ” không rõ ràng.
"Những quy định như vậy gây ra sự tốn kém cả về thời gian và tiền bạc đối với doanh nghiệp, làm tăng giá thành của sản phẩm và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế", ông Cung cho biết.
Cũng theo ông Cung, “Thủ tướng Chính phủ đã chọn năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là một dữ kiện rất lớn vì việc giảm chi phí cho doanh nghiệp có thể giúp hiệu quả kinh tế gia tăng lên, điển hình như chỉ cần giảm 1% chi phí logistics sẽ khiến GDP có thêm hàng tỷ USD".
HẠ AN