(vasep.com.vn) Trong phiên điều trần ngày 07/12/2016 tại Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ, từ các ý kiến đưa ra cho thấy, quyết định của Quốc hội Mỹ về việc chuyển giao trách nhiệm thanh tra cá da trơn từ FDA sang USDA bị chỉ trích mạnh mẽ vì nó gây lãng phí tiền của và nguồn lực. Buổi điều trần này có sự tham gia của 15 Hạ nghị sĩ và một số đại diện là các công ty trong ngành, bị ảnh hưởng bởi Farm Bill.
Các bên lần lượt nêu lên quan điểm của mình về chương trình này, các Hạ nghị sĩ đặt câu hỏi cho các đại diện còn lại để làm rõ quan điểm của họ. Buổi điều trần này được tường thuật trực tiếp và được đăng trên một số kênh truyền thông Mỹ, và thực sự thu hút sự chú ý của công chúng.
"Cá da trơn là một thực phẩm có nguy cơ thấp", ông Joseph Pitts thuộc Cộng hòa tại Pennsylvania, Chủ tịch Tiểu ban Y tế, phát biểu khai mạc tại buổi điều trần mang tên “Sự lãng phí và chồng chéo trong chương trình thanh tra cá da trơn của USDA”. "Rõ ràng, việc tạo ra một chương trình dành riêng cho cá da trơn là không cần thiết và việc tách các thực phẩm có tính rủi ro cao để tập trung vào một thực phẩm là một trong những phương thức an toàn nhất."
William Jones, Phó Giám đốc FDA nhấn mạnh, ông không cho rằng việc thanh tra cá da trơn chuyển giao cho USDA vì bất kỳ sự thiếu hụt nào của FDA. Ông khẳng định FDA cũng dành nhiều nguồn lực trong việc thanh tra hàng NK và chỉ ra các sản phẩm có nhiều rủi ro nhất.
Tại phiên điều trần, các đại biểu đã nhấn mạnh vị trí của cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ. Theo đó, 29% giá trị cá thịt trắng tiêu thụ ở Mỹ là cá tra Việt Nam. Ngoài ra, cá tra còn được xếp hạng thứ 6 trong top các thủy sản được tiêu thụ tại Mỹ. Đây là nguồn protein bổ dưỡng (thủy sản so với động vật trên cạn). Cụ thể hơn, lượng cá tra được nhập khẩu vào Mỹ cung cấp được 1,3 tỉ bữa ăn cho người dân Mỹ hằng năm. Chính phủ Mỹ gần đây thường xuyên kêu gọi người dân hạn chế ăn thức ăn nhanh không bổ dưỡng và khuyến khích chuyển sang ăn thủy sản thì cá tra chính là mặt hàng mà chính phủ Mỹ nên khuyến khích và tạo điều kiện để được NK vào Mỹ dễ dàng hơn, thay vì xây dựng rào cản kinh tế đối với con cá này, cụ thể là thực thi chương trình thanh tra USDA.
Thượng nghị sĩ John McCain, R-Ariz., cũng cho rằng việc chi hàng tỷ đô la cũng như việc thanh tra chồng chéo khi chuyển giao chương trình cá da trơn cho USDA là không cần thiết.
Đây cũng là những điểm mấu chốt mà một số báo cáo do Steve Morris giám đốc Văn phòng Giải trình trách nhiệm của Chính phủ (GAO) đưa ra và thảo luận trong buổi điều trần.
Chương trình của USDA: Chồng chéo, thiếu cơ sở khoa học
Các nhà làm luật và các đại diện của ngành thủy sản đều phản đối chương trình của USDA
Ông Steve Otwell, giáo sư danh dự về khoa học thực phẩm và dinh dưỡng con người tại Đại học Florida nhấn mạnh rằng, chương trình thanh tra cá da trơn của USDA và FSIS là không hợp lý và không có cơ sở khoa học vì cá da trơn là loài cá nguy cơ thấp. Trong lịch sử 20 năm qua, chưa có bằng chứng nào cho thấy cá da trơn là nguy hại về mặt an toàn thực phẩm. Thậm chí cá da trơn và cá tra là một trong những sự lựa chọn an toàn nhất của người Mỹ. Ông kết luận rằng, quyết định này không vì lợi ích ATTP và nếu áp dụng sẽ làm hạn chế cơ hội cho người tiêu dùng Mỹ lựa chọn loài thủy sản lành mạnh và có giá phải chăng.
Các thành viên của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện và Tiểu ban Y tế đều thống nhất chương trình này chồng chéo và không cần thiết.
Chủ tịch Tiểu ban Y tế Joseph Pitts (R-Pa.) khẳng định, chương trình làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và cuối cùng sẽ làm tổn hại tới thị trường cá da trơn.
Vì FDA giám sát thanh tra tất cả các loại thủy sản nên nếu 1 công ty muốn chế biến hoặc phân phối cá da trơn cùng với thủy sản khác, sẽ phải tuân thủ quy định của cả FDA và USDA.
Các công ty NK, chế biến thủy sản cho biết, họ đang phải tuân thủ theo quy định của FDA cho các mặt hàng thủy sản khác, giờ lại phải điều chỉnh lại cơ sở chế biến theo quy định của USDA cho riêng mặt hàng cá tra thì sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho công ty. Cụ thể hơn, để chế biến cá tra, họ phải mời nhân viên của USDA đến giám sát sản xuất và phải đăng kí trước 2 tuần, trong khi khách hàng của họ lại có thói quen đặt hàng và nhận hàng sau vài giờ, đặc biệt là đối với các mặt hàng tươi như cá da trơn Mỹ. Điều này sẽ gây cản trở và thiệt hại lớn đối với kinh doanh của họ.
Bà Kimberly Gorton, CEO của công ty thủy sản Slade Gorton cho biết, công ty có 2 hệ thống khác biệt hoàn toàn: 1 cho cá da trơn và 1 cho tất cả các loài khác mà công ty kinh doanh như cá rô phi, tôm và tôm hùm. Chương trình này vô lý đến nỗi nó buộc công ty bà phải có một thanh tra viên tại hiện trường bất kỳ khi nào mở một thùng cá da trơn lớn và chia sản phẩm vào các gói nhỏ hơn cho khách hàng.
Bà Kimberly cho rằng, Canada, nước phát triển gần bằng với Mỹ, phải mất 6-7 năm để có thể đạt được tiêu chuẩn của thịt nhập khẩu vào Mỹ theo quy định của USDA. Như vậy thì thử hỏi một nước nhỏ, đang phát triển như Việt Nam sẽ phải mất bao lâu để làm được việc này? Mà như vậy thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp cá tra tại Mỹ, làm ảnh hưởng đến các nhà NK/chế biến thủy sản cũng như là người tiêu dùng Mỹ sẽ mất đi một sự lựa chọn cho bữa ăn dinh dưỡng của họ.
Ông Steve Morris, Giám đốc Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên thuộc Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ: Chương trình là 1 ví dụ về sự lãng phí và sự không liên kết. Văn Phòng Trách Nhiệm Chính Phủ cũng chỉ trích về việc chia rẽ trong 10 báo cáo riêng biệt. Trong khi FDA sử dụng 700.000 USD hàng năm để thanh tra cá da trơn, USDA đã dành gần 20 triệu USD để phát triển chương trình và ước tính sẽ phải tiêu tốn 2,6 triệu USD mỗi năm.
Quan ngại về nguy cơ thua kiện trước WTO
Thành viên của tiểu bang Gene Green (D-Texas) gọi chương trình này là giải pháp gây ra rắc rối và là ví dụ điển hình về việc lạm dụng quyền lực chính trị để thực hiện một mục đích.
Tại phiên điều trần, các hạ nghị sỹ cũng bày tỏ quan ngại về khả năng Việt Nam sẽ kiện lên WTO nếu Farm Bill được chính thức áp dụng. Họ đã biết thông tin, các công ty chế biến cá tra ở Việt Nam cũng như chính phủ Việt Nam đang bất bình về Farm Bill và khẳng định sẽ kiện lên WTO nếu nó xảy ra. Các nghị sỹ lo ngại, trong trường hợp kiện lên WTO thì khả năng Việt Nam thắng kiện sẽ rất cao. Ngoài ra, Mỹ còn có nguy cơ phải đối phó với các rào cản kinh tế đối với các mặt hàng nông sản của Mỹ để trả đũa cho việc này. Vì vậy, họ đề nghị Thượng viện nên xem xét kĩ về thiệt hại này.
Hạ viện đã đưa ra 1 nghị quyết trong tháng 5 tới để phản đối quy định của USDA. Tuy nhiên, nghị quyết này chưa được đưa ra để biểu quyết mặc dù có 220 thành viên ủng hộ việc đưa nghị quyết ra để thảo luận và thu thập ý kiến.
Để nhận được ủng hộ của Hạ viện, 218 thành viên cần phải ký một kiến nghị không ủng hộ chương trình.
Tại cuộc điều trần, chỉ có duy nhất ý kiến của ông Rep. Gregg Harper (R-Miss.) ủng hộ USDA. Theo ông, cá da trơn có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm đối với người dân Mỹ và ông ủng hộ việc để USDA hoàn thành chương trình thanh tra cá da trơn của cơ quan này.
Ông Harper ủng hộ chương trình cùng với các nhà làm luật của bang vùng Vịnh khác, ngành sản xuất cá da trơn nội địa của Mỹ và một số tổ chức an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, Giáo sư Steven Otwell ( Đại học Florida) tại cuộc điều trần phản đối quan điểm của Harper khi gọi cá da trơn là loài có nguy cơ cao. Theo ông, cá da trơn là 1 trong những loài an toàn nhất.
Video trực tiếp buổi điều trần, vui lòng xem tại đây