(vasep.com.vn) Trước khi Tiểu ban y tế thuộc Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ đưa ra quan điểm về chương trình thanh tra cá da trơn, Văn phòng Giải trình trách nhiệm của Chính phủ (GAO) cũng cập nhật tình hình về vấn đề An toàn thực phẩm và chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và đưa ra những khả năng chồng chéo của chương trình.
Để giải quyết vấn đề trên, Cục Kiểm tra và An toàn Thực phẩm (FSIS) đã phối hợp với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để giảm thiểu tính chồng chéo trong chương trình thanh tra; ban hành quy định cuối cùng của chương trình và giảm chi phí ước tính hàng năm từ 14 triệu USD xuống còn 2,6 triệu USD; đồng thời phân chia trách nhiệm thanh tra các cơ sở nuôi cá da trơn trong nước và kiểm tra các sản phẩm cá da trơn NK. GAO vẫn tiếp tục làm việc cho Ủy ban phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ trong việc thanh tra giám sát liên bang về an toàn thủy sản. GAO đang xem xét FDA và FSIS đảm bảo tính an toàn của thủy sản NK, bao gồm cá da trơn, như thế nào và bất kỳ cơ hội đẩy mạnh các chương trình đó. Ngoài ra, GAO cũng đang xem xét việc phối hợp giữa FDA và FSIS và mức độ hiệu quả khi các cơ quan này tận dụng các nguồn lực chung trong việc thanh tra thủy sản NK.
Khi xem xét việc chuyển giao trách nhiệm thanh tra cá da trơn từ FDA sang FSIS, tháng 5/2012, GAO cho rằng chương trình thanh tra cá da trơn mà FSIS tiếp nhận sẽ tiếp tục phân chia trách nhiệm trong việc giám sát an toàn thực phẩm, đồng thời việc thanh tra sẽ chồng chéo với chi phí phát sinh đáng kể. Ví dụ, khi FSIS chịu trách nhiệm thanh tra cá da trơn, FDA cũng chịu trách nhiệm thanh tra các sản phẩm thủy sản khác, và Cục Nghề cá biển Quốc gia (thuộc Bộ Thương mại Mỹ) sẽ cung cấp các khoản phí cho dịch vụ thanh tra của một số cơ sở chế biến thủy sản theo yêu cầu. GAO xác định 4 vấn đề chồng chéo và sử dụng các nguồn lực không hiệu quả nếu FSIS thực hiện chương trình thanh tra cá da trơn. Cụ thể là:
(1) Yêu cầu về thủ tục giấy tờ đối với các nhà chế biến cá da trơn tăng;
(2) Chồng chéo trong việc giám sát;
(3) Việc giám sát hàng thủy sản NK không nhất quán;
(4) Tăng chi phí khi đưa ra chương trình kiểm tra của FSIS.
Ngoài ra, FSIS xác định khuẩn Salmonella là mối nguy hiểm chính đối với cá da trơn. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mà FSIS đánh giá tính rủi ro của khuẩn Salmonella đối với cá da trơn, các nguy cơ từ khuẩn Salmonella và các vi khuẩn khác trong cá da trơn thực tế bằng không. Hơn nữa, GAO thấy rằng FSIS sử dụng thông tin lỗi thời làm cơ sở khoa học trong việc đánh giá rủi ro trong chương trình thanh tra cá da trơn. Do vậy, GAO kết luận, chương trình thanh tra cá da trơn mà FSIS thực hiện sẽ có khả năng không những không đẩy mạnh việc đảm bảo an toàn thủy sản, mà còn chồng chéo trong việc thanh tra với chi phí hàng năm khoảng 14 triệu USD (theo ước tính của FSIS).
Báo cáo ngày 7/12/2016 của GAO được đăng tải tại http://www.gao.gov/products/GAO-17-289T
Báo cáo chi tiết, vui lòng xem tại http://www.gao.gov/assets/690/681460.pdf
Liên hệ: Mọi thắc mắc liên quan đến báo cáo, vui lòng gửi tới Mr. Steve D. Morris – Giám đốc Phòng Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên của GAO theo số điện thoại 202 512 3841; e-mail: MorrisS@GAO.gov