WWF: EU cần làm tốt hơn để ngăn chặn khai thác bất hợp pháp

(vasep.com.vn) Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách EU sửa đổi Quy định kiểm soát Nghề cá Châu Âu, để thúc đẩy việc truy xuất tốt hơn nguồn gốc các sản phẩm thủy sản. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi tổ chức này công bố báo cáo về phát triển bền vững ngành thủy sản, báo cáo này cho thấy các sản phẩm thủy sản khai thác bất hợp pháp vẫn vào được thị trường Châu Âu.

Báo cáo nhấn mạnh rằng EU là thị trường thủy sản lớn nhất thế giới và đã thiết lập quyền lập pháp để giải quyết các vấn đề về các sản phẩm thủy sản không bền vững bao gồm Chính sách Thủy sản chung (CFP) và Quy định về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, những quy định này vẫn chưa cấm hoàn toàn các sản phẩm thủy sản khai thác IUU đi vào thị trường Châu Âu.

TS. Antonia Leroy, Trưởng Văn phòng chính sách Biển (WWF ở Châu Âu) cho biết, bất chấp các quy định của EU, các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp tiếp tục lọt lưới. EU cần phải đảm bảo sự ổn định của EU và các đối tác thương mại không bị đe dọa bởi thương mại thủy sản không bền vững.

Báo cáo cho biết trên toàn cầu, 1 trong 6 con cá được bày trên đĩa được cho là từ hoạt động khai thác IUU. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho mọi người tập trung vào những thiếu sót của ngành đánh bắt thủy sản trên toàn cầu. Tại thời điểm này, WWF cho biết điều quan trọng là phải xem xét cách EU giải quyết các hoạt động khai thác IUU, các hoạt động đang khiến cho sự phục hồi và khả năng khôi phục của nhiều nguồn lợi thủy sản quan trọng trên thế giới bị đe dọa, đe dọa tới cả an ninh lượng thực của các cộng đồng ven biển, và làm mất đi sự bền vững của thị trường thủy sản Châu Âu.

Tiến sĩ Leroy giải thích rằng khi EU sửa đổi các đạo luật thủy sản và trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh Châu Âu, Chiến lược từ nông trại tới bàn ăn và Chiến lược đa dạng sinh học, EU phải kiểm soát chặt chẽ các hoạt động bất hợp pháp và không bền vững . Tất cả các bên liên quan dọc theo chuỗi cung cấp, từ chính phủ đến người tiêu dùng, chịu trách nhiệm hỗ trợ cho sự thịnh vượng của các cộng đồng ven biển và một đại dương khỏe mạnh.

Báo cáo cho biết việc thiếu minh bạch trong các hoạt động của các đội tàu đánh bắt có thể gián tiếp tạo ra sự bất ổn. Điều này là do các nước lớn, bao gồm cả các nước thành viên EU, không thực hiện các biện pháp quản lý nghề cá hiệu quả; kiểm tra hoạt động của các tàu không thường xuyên, với các biện pháp trừng phạt nhẹ với các tàu hay các quốc gia vi phạm quy định. WWF cho rằng điều này khuyến khích các hành động không bền vững, có thể tại nền tảng cho các tổ chức tội phạm và tham nhũng có tổ chức.

Ủy ban Thủy sản của Liên minh Châu Âu hiện đang hoàn thiện Quy định Quản lý Nghề cá EU dựa trên các đề xuất sửa đổi. Ủy ban dự kiến sẽ bỏ phiếu về vấn đề này vào tháng 10 tới, sau đó là cuộc bỏ phiểu các toàn bộ Nghị viện EU trước khi kết thúc năm.

WWF đề nghị EU:

- Sửa đổi Quy định Kiểm soát Nghề cá Châu Âu để đưa ra các biện pháp trừng phạt có tính răn đe hơn, đưa ra hệ thống giám sát điện tử (bao gồm CCTV) đối với các tàu, và đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc bằng điện tử tốt hơn đối với các sản phẩm thủy sản mà người dân đang tiêu dùng;

- Sửa đổi Quy định về Tổ chức Thị trường Các sản phẩm Nghề cá và Nuôi trồng Thủy sản chung để mang lại sự minh bạch đối với các sản phẩm thủy sản có sẵn trên thị trường EU;

- Đảm bảo các sản phẩm thủy sản có mặt trên thị trường Châu Âu được sản xuất một cách có đạo đức và công bằng, đặc biệt là khi các sản phẩm này được sản xuất theo các hiệp định hợp tác với các nước bên ngoài EU;

- Đảm bảo rằng sự hỗ trợ của Chính phủ chỉ dành cho các hoạt động bền vững, chuyển trọng tâm từ sản xuất thực phẩm sang các lợi ích về môi trường góp phần vào việc thúc đẩy chuyển đổi sinh thái;

- Thắt chặt việc chống khai thác IUU như là một việc ưu tiên hàng đầu và đóng vai trò hàng đầu ở cấp độ toàn cầu và đặt dấu chấm hết cho hoạt động khai thác này.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục