Theo kế hoạch, tháng 6 tới, Ủy ban châu Âu sẽ thanh tra lần thứ 4 để xem xét tháo gỡ "thẻ vàng" cho hải sản Việt Nam. Điều đó có nghĩa, Việt Nam có 180 ngày để dồn lực cho việc này.
Bộ NN&PTNT vừa tổ chức Hội nghị công bố và triển khai Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4.
Tháng 6 tới, EC vào thanh tra lần thứ 4 để xem xét tháo gỡ "thẻ vàng" cho hải sản Việt Nam
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) thông tin, mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Quyết định số 81/QĐ-TTg thể hiện sự quyết tâm trong việc triển khai kế hoạch 180 ngày cao điểm hành động chống khai thác IUU, tháo gỡ thẻ vàng khi EC tiến hành thanh tra lần thứ 4 vào tháng 6 tới. Tất cả nội dung của Quyết định đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trên cơ sở đóng góp ý kiến của các bộ ngành và các địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định trong việc triển khai thực hiện Quyết định 81. Đại diện tỉnh Kiên Giang cho rằng, tại Quyết định 81 có 12 mục yêu cầu đạt 100%, ví dụ, kiểm soát tàu ra – vào đạt 100%; kiểm soát thiết bị hành trình thường xuyên 100%, các tàu cập vào cảng chỉ định đạt 100%; tàu vi phạm phải có quyết định xử lý hành chính và các biện pháp xử lý tăng thêm đạt 100%;...
"Đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Ví dụ, như tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài báo về, chúng tôi sẽ lập tức giao lực lượng biên phòng xử lý và họ phải thu thập đầy đủ các bằng chứng, giấy tờ phía bạn (nước ngoài). Tuy nhiên, thông thường phía bên bạn không cung cấp. Lực lượng biên phòng phải thông qua kênh Bộ Ngoại giao nhưng cũng rất khó lấy giấy tờ bên bạn, nếu có thì chỉ là bản photo.
Trong quyết định xử lý phải có tọa độ nơi vi phạm, thời gian và hành vi vi phạm. Trong khi đó, khi ra tòa, với các giấy tờ và điều kiện không đủ, tòa sẽ hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền cũng như không tịch thu tàu được vi phạm.
Riêng đối với Kiên Giang với 200km đường biển, 100 cửa sông, các chủ tàu thường ở bên cửa sông, tàu họ đậu luôn ở cửa sông mà không vào các cảng cá chỉ định. Do đó, với quy định 100% tàu ra vào đều phải được giám sát là hết sức khó khăn", đại diện Kiên Giang nêu.
Trước những thách thức trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trở thành một mắt xích trong chuỗi phân phối, cung ứng nông lâm thủy sản toàn cầu. Chính vì vậy, không cách nào khác, chúng ta phải thực thi nghiêm các quy định quốc tế, hướng đến việc khai thác bền vững.
Thời gian để thực hiện kế hoạch 180 ngày cao điểm hành động chống khai thác IUU, tháo gỡ "thẻ vàng" không dài với nguồn lực còn hạn chế nhưng với quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT bày tỏ sự tin tưởng Việt Nam sẽ gỡ được thẻ vàng trong năm 2023.
“Quan trọng hơn, bên cạnh mang lại hiệu quả về kinh tế, việc Việt Nam gỡ được thẻ vàng cũng khẳng định vị thế của một đối tác tin cậy, có trách nhiệm và uy tín trên thị trường quốc tế”, ông Tiến lưu ý.
Bảo Ngọc (Theo VnBusiness)