Khánh Hòa: Nỗ lực cấp "giấy thông hành” để tàu cá ra khơi

Hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh Khánh Hòa vừa được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Đây là "giấy thông hành” để các tàu xuất bến cũng như bán cá cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, góp phần thực hiện gỡ thẻ vàng - IUU.
Khánh Hòa Nỗ lực cấp giấy thông hành” để tàu cá ra khơi
Được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm giúp các chủ tàu dễ dàng bán cá hơn

Ngày đầu năm, tàu cá KH 93979 do ông Trần Thanh Long, ở phường Xương Huân, thành phố Nha Trang làm thuyền trưởng trở về Cảng cá Hòn Rớ, mang theo hàng chục tấn cá ngừ vừa được đánh bắt tại vùng biển DK1. Số cá này nhanh chóng được vựa cá thu mua để nhập nhà máy chế biến đông lạnh xuất khẩu. Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với tàu cá trở thành "giấy thông hành" để ông Long thuận lợi trong các thủ tục nhập cảng, bán cá và cả thanh toán tiền.

Mấy tháng trước, vượt qua nhiều khó khăn, tàu cá của ông Trần Thanh Long đã được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Ông Trần Thanh Long cho biết, đây là điều kiện để bán cá cho các nhà máy chế biến xuất khẩu: “Không có điều kiện để đi học, đi học 5 bữa mà nghỉ hết 2 ngày đi biển rồi sao đi học. Tôi cũng ráng học, có giấy tờ, có bài bản chứ Nhà nước cho thì cũng phải đi làm. Giờ có khó cũng phải đi làm giấy tờ, chứ về vựa người ta phải hỏi, vựa phải xin giấy tờ đó thì người ta mới bán cá được”.

Luật Thủy sản có hiệu lực từ đầu năm 2019 quy định, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ra khơi phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, còn có chủ tàu chưa quan tâm đến thủ tục này. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Khánh Hòa được giao nhiệm vụ tổ chức tập huấn cho ngư dân, cấp Giấy chứng nhận các tàu cá.

Đến nay, có 470/748 tàu cá dài 15m trở lên thực hiện thủ tục này, chủ yếu là tàu tham gia chuỗi liên kết khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ. Hiện còn nhiều tàu chưa được cấp giấy chứng nhận, do nhận thức của chủ tàu, tàu nằm bờ mùa biển động, đánh bắt khó khăn nên chưa đăng ký. 

Ông Nguyễn Ngọc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị sẽ đơn giản hóa thủ tục, hệ thống hóa kiến thức để ngư dân vượt qua kỳ thi sát hạch. Tránh ảnh hưởng việc đi biển của ngư dân, đơn vị sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra thực tế hiện trạng của tàu cá ngay khi vừa cập cảng làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận.

Hiện nay, các địa phương của tỉnh Khánh Hòa tăng cường tuyên truyền để ngư dân nắm được quy định của pháp luật, thực hiện tốt việc chống khai thác bất hợp pháp. Tranh thủ mùa biển động tàu về bờ, cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn ngư dân đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Đến nay vẫn còn nhiều tàu cá tại Khánh Hòa chưa được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Đến nay vẫn còn nhiều tàu cá tại Khánh Hòa chưa được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, thực hiện quy định mới của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 25/12/2020, tàu cá sẽ không được xuất bến và bị xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng nếu không có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Theo ông Võ Khắc Én, hiện các cơ quan chức năng nhắc nhở, tuyên truyền đến ngư dân, thời gian tới sẽ xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm: “Ở trong nước cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đaể đảm bảo sức khỏe nhân dân. Nếu bán cho nước ngoài càng phải đảm bảo nữa, vì quy định của họ bắt buộc. Chất lượng cá ngoài độ tươi ra thì vấn đề làm sao đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, những hầm chứa, dụng cụ dưới tàu, thao tác trong lúc khai thác để cá không bị nhiễm khuẩn là điều rất quan trọng. Tàu không có Giấy an toàn thực phẩm còn có chế tài xử phạt theo Nghị định 115"./.

(Theo VOV)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục