Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Đảm bảo nguồn gốc thủy sản sau khai thác

Nhằm đảm bảo cho các chủ tàu cá thực hiện tốt khuyến nghị của Ủy ban Châu âu (EC) về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp và không khai báo theo quy định (IUU), tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Khắc phục thẻ vàng IUU Đảm bảo nguồn gốc thủy sản sau khai thác
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã rất quyết liệt trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.Nhãn

Với ngư trường rộng lớn cùng nguồn lợi thuỷ sản phong phú, từ lâu nghề khai thác được xem là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau. Sản lượng khai thác thuỷ sản hàng năm không chỉ đóng góp hơn 220.000 tấn cho thị trường, mà nghề này nhiều năm qua đã giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn người mỗi năm từ trực tiếp khai thác cho đến dịch vụ hậu cần nghề cá.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, việc chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng. Cụ thể là cơ sở hạ tầng tại các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ, các tuyến đường giao thông đấu nối từ cảng cá với các tuyến lộ còn giới hạn tải trọng không quá 10 tấn nên việc xếp dỡ, vận chuyển hàng hoá bị hạn chế.

Tỉnh Cà Mau hiện nay có 5 cảng cá đang hoạt động (Cà Mau, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc và Hố Gùi) đáp ứng khoảng 350 tàu cập cảng mỗi ngày, với sản lượng hàng hoá qua cảng khoảng 86.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ra, vào bốc xếp hàng hoá, neo đậu cho tàu cá. Bên cạnh đó, do khó khăn về kinh phí nên cảng cá vẫn chưa được nâng cấp, duy tu, sửa chữa theo nhu cầu thực tế.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Nguyễn Việt Triều, cần tổ chức họp các doanh nghiệp chế biến, chủ tàu khai thác, tàu thu mua để tuyên truyền trực tiếp và cam kết thực hiện đúng quy định về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản, không thu mua hải sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp. Ngoài ra, một nguyên nhân khiến công tác xác nhận nguồn gốc thuỷ sản gặp khó khăn là do việc ghi chép nhật ký của thuyền trưởng còn quá sơ sài.

Trước những hạn chế trên, Cà Mau xác định, giải pháp được xem là quan trọng nhất trong số các giải pháp để tạo bước đột phá trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu chính là việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan phải đảm bảo người dân liên tục được cập nhật, tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời.

Bên cạnh đó, Cà Mau cũng tiếp tục rà soát kế hoạch hành động ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của tỉnh Cà Mau đến năm 2025 để điều chỉnh cho phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là hoạt động tuyên truyền.

Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được tỉnh Cà Mau quan tâm chỉ đạo xây dựng và từng bước triển khai các phương án chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân, giảm áp lực khai thác hải sản, thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Bên cạnh đó, không chỉ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng bộ mà còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của các tỉnh lân cận và cả cảnh sát biển trong thanh tra, tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển…

Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động tuần tra, kiểm soát hơn nữa, mới đây UBND tỉnh ban hành Công văn số 6280/UBND-NNTN về tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU. Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát biển, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang tăng cường tuần tra, kiểm soát, tăng cường sự hiện diện của các lực lượng chức năng trên biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Ông Châu Công Bằng cho biết thêm, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, phấn đấu kiểm soát 100% sản lượng thuỷ sản bốc dỡ tại các cảng cá chỉ định và thu hồi nhật ký khai thác của các tàu cá cập cảng để bốc dỡ thuỷ sản; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản xuất sang thị trường châu Âu. Kiểm tra công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá theo quy định, từ đó kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng tàu cá cố tình đánh bắt ở các vùng biển nước ngoài.

Việc về bến bốc dỡ hàng hoá không chỉ là giải pháp giảm áp lực quá tải tại các cảng cá chỉ định hiện nay và cũng là giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp. UBND tỉnh có Công văn số 9014/UBND-NNTN, thống nhất cho doanh nghiệp bốc dỡ hàng hoá tại cơ sở. Tuy nhiên, công văn nêu rõ, tàu phải cập cảng chỉ định khai báo đầy đủ thông tin, nộp hồ sơ cho ban quản lý cảng cá và văn phòng IUU kiểm tra, có sự thống nhất của hai đơn vị này mới được về bến bốc dỡ hàng hoá. Sau khi bốc dỡ xong phải đến cảng đối chiếu sản lượng, thành phần loài và nhận lại hồ sơ, thủ tục được cấp.

Song song với các hoạt động tuyên truyền, theo ông Triều, một việc hết sức quan trọng là công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát. Riêng lĩnh vực khai thác thuỷ sản, hiện nay tỉnh đã có Đội kiểm tra liên ngành 335, đội thanh tra chuyên ngành thuộc Chi cục Thuỷ sản. Do đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá, khu vực tàu neo đậu, ngoài cửa biển, trên biển.

“Việc kiểm tra, kiểm soát này không chỉ để quản lý chặt mọi hoạt động của tàu cá khi ra vào cửa biển, từ đó kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, mà quan trọng hơn là tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở ngư dân thực hiện các quy định của pháp luật, nhất là trong việc ghi chép nhật ký khai thác, thu mua, chuyển tải, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đăng kiểm, giấy phép hoạt động khai thác…”, ông Nguyễn Việt Triều cho biết.

(Theo báo Tin tức)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục