Gỡ ‘thẻ vàng’ thủy sản: Đúng hướng nhưng nhiều địa phương chậm trễ

Sau hơn 3 năm Việt Nam bị Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản, Việt Nam đã nỗ lực để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tỉnh thành chưa thực sự tạo chuyển biến trong công tác này.

Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã có những chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ.

Ông nhìn nhận như thế nào về những nỗ lực của doanh nghiệp sau 3 năm cam kết gỡ Thẻ vàng của EC?

Ông Phùng Đức Tiến: Tính đến nay đã hơn 3 năm (kể từ ngày 23/10/2017), Việt Nam bị EC cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản từ khai thác xuất khẩu sang thị trường Châu Âu (EU), phía EC đã hai lần sang Việt Nam để kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.

Dự kiến năm nay, phía EC sang kiểm tra lần thứ ba, tuy nhiên do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 nên phía bạn chưa thể sang. Nhưng các kết quả triển khai chống khai thác IUU của Việt Nam luôn được cập nhật, báo cáo trực tuyến cho phía bạn theo 4 nhóm khuyến nghị mà EC đã khuyến cáo.

Kết quả phía EC tiếp tục đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU, đã có nhiều tiến bộ so với trước và đang đi đúng hướng.

Đạt được những kết quả đó chính là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN& PTNT, cùng với sự vào cuộc của 28 tỉnh ven biển, các cơ quan ban ngành liên quan, cộng đồng ngư dân.

Trong đó tôi đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của VASEP, cộng đồng DN hải sản đã luôn đồng hành cùng với Chính phủ, cùng chung tay chống khai thác IUU, sớm gỡ Thẻ vàng của EC bằng những chương trình, hoạt động hết sức ý nghĩa, thiết thực, cụ thể như: thực hiện Chương trình “Doanh nghiệp cam kết chống khai thác IUU”; tham gia cùng với cơ quan quản lý nhà nước đóng góp ý kiến, xây dựng các quy định liên quan về chống khai thác IUU: Luật Thủy sản, Nghị định, Thông tư… Cùng với đó, các DN cũng tăng cường phối hợp với các bên liên quan và mở rộng quan hệ quốc tế trong chống khai thác IUU; thực hiện tốt các hoạt động truyền thông cho các thành phần có liên quan cùng chung tay chống khai thác IUU.

Những nỗ lực đó liệu đã đủ chưa? Theo quan điểm của ông, DN thủy sản cần thúc đẩy những việc gì trong thời gian tới để gỡ được Thẻ vàng của EC?

Ông Phùng Đức Tiến: Như tôi đã nói ở trên, những hoạt động của các DN hải sản trong thời gian qua là rất nỗ lực, đã thực hiện theo sự chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo Thẻ vàng của EC. Tuy nhiên, để gỡ cảnh báo thẻ vàng và hướng tới phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế thì còn chưa đủ, rất nhiều việc cần phải làm.

Theo tôi cần tập trung một số công việc là: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng đầy đủ các quy định của EC về chống khai thác IUU như kiểm soát tàu cá (kể cả tàu cá ra, vào, hoạt động trên cảng và tàu cá hoạt động trên biển), kiểm soát nguyên liệu hải sản (kể cả truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác và nguyên liệu thủy sản nhập khẩu); phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản, Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Thú y và các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU. Doanh nghiệp kiên quyết không thu mua hải sản khai thác vi phạm IUU của các tàu cá này; tổ chức kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc bảo đảm kiểm tra được tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu hải sản nhập khẩu, tạm nhập tái xuất; tổ chức hướng dẫn thực hiện tốt việc kiểm soát quy trình truy xuất nguồn gốc hải sản tại các nhà máy chế biến và giám sát được nguồn nguyên liệu chứng nhận được sử dụng tại các nhà máy chế biến.

Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, cộng đồng DN hải sản tiếp tục kiên định "Nói không với thủy sản khai thác IUU", đẩy mạnh phòng, chống khai thác IUU, đáp ứng yêu cầu của EC, giữ vững vị thế xuất khẩu quan trọng tại thị trường EU - vì một nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm, hội nhập, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực cộng đồng ASEAN.

Cảng cá Mỹ Tho - Tiền Giang

Được biết mới đây Tổng cục Thủy sản đã có cuộc làm việc tiếp theo với EC về vấn đề gỡ Thẻ vàng. Xin ông cho biết cụ thể hơn, phía EC hiện đánh giá thế nào về những nỗ lực của Việt Nam?

Ông Phùng Đức Tiến: Trong năm 2020, chúng ta đã có 2 cuộc họp trực tuyến với EC vào ngày 30/6/2020 và ngày 22/10/2020 để trao đổi, cập nhật các kết quả triển khai, giải trình các nội dung về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC.

Qua đó, phía EC tiếp tục đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU, đã có nhiều tiến bộ so với trước và đang đi đúng hướng.

Phía EC ghi nhận nỗ lực trong triển khai thực hiện các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, cụ thể như: Kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (>82%), đánh dấu tàu cá (>90%) đã có sự tiến bộ rõ rệt so với kết quả của lần kiểm tra trước; hệ thống giám sát hành trình tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ từ Trung ương đến địa phương; công tác thực thi pháp luật trong xử phạt đối với hành vi khai thác IUU đã được tăng cường đáng kể; công tác kiểm soát tàu cá Việt Nam ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng đã có nhiều tiến bộ; đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương…

Tuy nhiên, đánh giá từng nội dung công việc cụ thể thì kết quả triển khai tại các địa phương vẫn còn rất chậm như chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, đánh dấu tàu cá, tình trạng tàu cá mất kết nối VMS diễn ra phổ biến, đặc biệt là tàu cá vẫn tiếp tục vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài (từ đầu năm 2020 đến nay, có 69 vụ/113 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý)…

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã có những động thái gì với những địa phương chưa có nhiều chuyển biến trong các công tác nhằm khắc phục Thẻ vàng? Hiện còn những địa phương nào vẫn đang thực hiện chậm việc này?

Ông Phùng Đức Tiến: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn cũng như kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai các quy định về chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC.

Đánh giá tổng thể thì chưa có địa phương nào làm tốt 100% nhưng đánh giá từng nội dung cụ thể thì kết quả cụ thể như sau.

Về ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, các địa phương có vụ việc vi phạm đã giảm như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Tiền Giang…; các tỉnh triển khai chưa có kết quả là Cà Mau, Bến Tre, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang.

Đối với công tác thực thi Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để phòng, chống khai thác IUU, về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đánh dấu tàu cá thì hầu hết các tỉnh chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá; hiện tại mới chỉ có tỉnh Bình Định, Ninh Bình, Phú Yên đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS. Tình trạng tàu cá thường xuyên mất kết nối thiết bị VMS diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Bến Tre, Nghệ An...

Về công tác kiểm soát, quản lý tàu cá, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, một số địa phương như Bình Định, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre đã tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về thiết bị VMS.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Theo VGP)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục