Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU): Khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản

Truy xuất nguồn gốc thủy sản trong khai thác thủy sản là một trong những yêu cầu của Ủy ban Châu Âu (EU) đề xuất đối với thủy sản Việt Nam. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để tháo gỡ thẻ vàng. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn ngư dân chưa chủ động hợp tác với ngành chức năng, khiến cho việc truy xuất nguồn gốc thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Khó thực hiện

Theo quy định, các tàu thuyền phải báo trước 2 giờ khi tàu rời cảng hoặc cập cảng và phải xuất trình đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, khai báo các thông tin để lực lượng chức năng kiểm tra, đối chiếu, nếu đảm bảo đầy đủ các điều kiện thì được đóng dấu vào giấy xác nhận. Song, nhiều chủ tàu vẫn chưa chấp hành theo quy định.

Theo báo cáo về công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản và kiểm tra tàu cá rời, cập cảng từ ngày 1/1 đến ngày 30/6, đã có tổng số có 1.556 lượt tàu cá cập, rời cảng; Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra tàu cá tại cảng cá đã cấp 1.764 lượt biên bản cập, rời cảng. Trong đó, tại cảng cá Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đã cấp 1.620 biên bản cho 254 tàu; tại cảng cá Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) đã cấp 144 biên bản cho 34 tàu. Lực lượng Biên phòng đã kiểm soát xuất, nhập bến được 1.556 lượt tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.

Cà Mau hiện có tổng số 4.963 phương tiện tàu cá đăng ký, tổng công suất 582.658KW. Trong đó, số tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12m là 1.886 phương tiện, tổng công suất 39.411KW; tàu có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m là 1.387 phương tiện, tổng công suất 141.979KW; tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 1.690 phương tiện, tổng công suất 401.268KW.

Trước nay, đa phần ngư dân của tỉnh làm nghề theo kiểu cha truyền con nối, các thuyền viên trên tàu đa phần chữ nghĩa ít, nên việc ghi chép hành trình đánh bắt là việc rất khó với họ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ông Nguyễn Việt Triều thừa nhận, việc ghi chép nhật ký hành trình đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản là việc khó đối với một thuyền trưởng, vì ghi nhật ký khai thác phải chi tiết, tỉ mỉ khối lượng của từng loại cá, thời gian bắt… Trong khi đó, ở ngoài khơi sóng to gió lớn, đa phần các thành viên trên tàu đã gần như làm việc suốt đêm cho việc đánh bắt, nên sáng hôm sau họ chỉ muốn nghỉ ngơi dưỡng sức; nếu bắt buộc ghi chép thì chỉ là việc đối phó. Mặt khác, do thói quen trong sản xuất, mua bán từ trước đến nay và điều kiện đặc thù nên chủ tàu, thuyền trưởng chưa quan tâm đến việc cho tàu cá cập cảng, vẫn còn suy nghĩ cập cảng sẽ bị kiểm tra, xử lý, xử phạt, thủ tục rườm rà, tốn kém thời gian, chi phí phát sinh khác...

Thực tế trong thời gian qua, đa số các doanh nghiệp mua sản phẩm từ các tàu cá không cập cảng cá chỉ định, một số ít từ các tàu cá có cập cảng. Tuy nhiên, khi đối chiếu lịch sử hoạt động trên biển thông qua giám sát hành trình với nhật ký khai thác thủy sản và phần lớn đều “không trùng khớp” nhau, nên không thể xác nhận nguyên liệu thủy sản cho các doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không thể xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ khai thác.

Cũng không thể phủ nhận, cơ sở hạ tầng tại các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ, các tuyến lộ xe đấu nối từ cảng cá với Quốc lộ 1A: Cảng cá Rạch Gốc, cảng cá Sông Đốc giới hạn tải trọng (không quá 10 tấn) nên việc xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa bị hạn chế.

Hiện nay, việc quản lý các tàu đánh bắt xa bờ chỉ mới dừng lại ở việc quản lý, kiểm tra các loại giấy tờ: Đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên, tàu đi ngư trường nào. Còn việc đánh bắt chủng loại thủy sản gì, thì vẫn chưa thể kiểm soát được.

Phương tiện nào vi phạm thì sẽ không được cấp giấy phép hoạt động và không cho đăng ký đóng tàu mới để hoạt động.

Phương tiện nào vi phạm thì sẽ không được cấp giấy phép hoạt động và không cho đăng ký đóng tàu mới để hoạt động.

Cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản

Để khắc phục khó khăn trên, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, trong thời gian tới, các công ty, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản thực hiện nghiêm túc cam kết “không thu mua sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp”. Thực hiện đồng bộ, liên kết, thống nhất nhiều công ty, doanh nghiệp tại nhiều tỉnh có liên quan với nhau; tổ chức lực lượng thường trực của công ty, doanh nghiệp theo hình thức trực tiếp thu mua sản phẩm tại các cảng cá chỉ định để thu mua, khai báo, yêu cầu xác nhận sản phẩm thủy sản có bốc dỡ qua cảng, tạo điều kiện thu hút tàu cá, hàng hóa bốc dỡ qua cảng nhiều hơn; theo đó các cơ quan chức năng cũng dễ dàng chứng minh sản phẩm khai thác từ các tàu cá có hợp pháp hay không hợp pháp. Trường hợp tàu cá, chủ hàng có nhu cầu bốc dỡ sản phẩm tại bến nhà, bến doanh nghiệp phải khai báo thông tin (thành phần loài, dự kiến sản lượng trên tàu...), đồng thời nộp hồ sơ để các lực lượng có liên quan kiểm tra; khi kiểm tra xong, thống nhất cho tàu chạy về bến nhà, bến doanh nghiệp để bốc dỡ sản phẩm, sau khi kết thúc việc bốc dỡ sản phẩm thì chủ tàu, thuyền trưởng hoặc chủ vựa, doanh nghiệp thu mua đến cảng cá để khai báo, đối chiếu sản lượng, thành phần loài và nhận hồ sơ, thủ tục được cấp. Trong quá trình thực hiện việc bốc dỡ sản phẩm thì các lực lượng liên quan có quyền đến kiểm tra, đối chiếu số liệu đột xuất và có sự cam kết, chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ hàng... Khi doanh nghiệp có mua sản phẩm thủy sản của các tàu này thì doanh nghiệp hoặc chủ tàu đề nghị tổ chức quản lý cảng cá cấp cho chủ tàu giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng.

Đồng thời họp dân, tiếp xúc, đối thoại, thống nhất cách làm cụ thể ứng với điều kiện đặc thù của địa phương, doanh nghiệp thu mua, vựa đăng ký thành phần, đối tượng thủy sản có nhu cầu và đã được phép, không được phép bốc dỡ tại bến nhà, từ đó theo thực tế sản lượng được bốc dỡ sẽ đối trừ “giá dịch vụ sử dụng cảng” có liên quan đến hàng hóa bốc dỡ qua cảng cho doanh nghiệp, nhằm tạo sự đồng thuận, công bằng...

Tăng cường công tác nắm địa bàn, kiểm soát tốt, chặt chẽ tàu cá xuất, nhập cửa biên trình Trạm Kiểm soát Biên phòng và cập, rời cảng cá chỉ định, có đối chiếu số liệu hàng tháng giữa các lực lượng có liên quan; kịp thời thông tin với nhau các trường hợp tàu cá khai thác thủy sản không có, không ghi, ghi không đầy đủ, ghi không đúng nhật ký khai thác thủy sản, khai thác sai vùng, không cập cảng cá có tên trong danh sách cảng cá chỉ định, tàu cá hết hạn về đăng ký, đăng kiểm; các hình thức xử lý có liên quan…

Đây cũng là điều kiện giúp ngư dân nêu cao ý thức hơn trong việc đánh bắt đúng ngư trường quy định và mang tính răn đe, là điều kiện kiên quyết không cấp giấy phép hoặc không cho đóng mới nếu chủ tàu vi phạm khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài.

(Theo báo Ảnh Đất Mũi)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục