Chống khai thác IUU: Thay đổi từ nhận thức đến hành động

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà một số tàu cá của ngư dân nước ta thời gian qua đã xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép. Điều đó ẩn chứa nhiều tác hại mà ngay chính những người vi phạm vẫn chưa ý thức được. Thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU), ngoài những quy định chung, trách nhiệm của địa phương thì lực lượng Cảnh sát biển cần thường xuyên chủ động làm tốt công tác tuyên truyền để góp phần tạo thay đổi nhận thức cho bà con ngư dân khi hành nghề trên biển.

Những ngày đầu tháng 11/2021, chúng tôi được tham gia đợt tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển (CSB) 1 tổ chức tại khu vực neo đậu tàu thuyền phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 1 tuyên truyền về IUU cho bà con ngư dân tại phường Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Cùng với nhiều ngư dân, chủ tàu khác, anh Đinh Hữu Hải, chủ tàu đánh bắt xa bờ mang số hiệu QN-92368 TS cho biết: “Theo kế hoạch, tàu của tôi rời bến từ sáng sớm nhưng nghe tin có buổi tuyên truyền do lực lượng CSB tổ chức nên tôi quyết định lùi giờ ra khơi để anh em thủy thủ cùng được tiếp thu những kiến thức pháp luật do CSB truyền đạt”.

Được biết, tàu cá QN-92368 TS của anh Hải là tàu lớn, với nhiều trang thiết bị hiện đại; được gia đình anh đóng với mức chi phí trên 21 tỷ đồng. Con tàu có thể hoạt động xa bờ cả tháng và vươn đến khai thác ở các vùng biển xa. “Nếu như trước đây, khi Ủy ban châu Âu chưa áp thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, con tàu của tôi có đủ điều kiện để bám theo các luồng cá khai thác mà không cần quan tâm đó là vùng biển chung hay thuộc chủ quyền của nước nào. Nhưng nay được các anh CSB và chính quyền địa phương tuyên truyền, chúng tôi đã hiểu về tác hại của việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Do vậy, không chỉ tàu của gia đình tôi mà các tàu khác ở bến này cũng đều tự giác chấp hành...” – anh Hải cho biết.

Tham dự buổi tuyên truyền của cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 1 với ngư dân trên địa bàn mình quản lý, ông Phạm Thành Nam, Đội kiểm tra Trật tự đô thị - Môi trường TP Cẩm Phả, cho biết: “Số lượng tàu, thuyền ra, vào qua bến Cẩm Thuỷ (Cẩm Phả) hàng ngày từ 400 đến 500 phương tiện. Trước khi tàu của bà con ra khơi, chúng tôi đều phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là cán bộ của lực lượng CSB tuyên truyền cho bà con phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, đảm bảo làm sao khi làm ăn trên biển, bà con có ý thức chấp hành, không vi phạm các quy định của Nhà nước, góp phần để Ủy ban châu Âu sớm gỡ thẻ vàng đối với xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam”.

Thượng tá Nguyễn Văn Hiển, Phó Chính ủy Vùng CSB 1, cho biết: “Xuất phát từ nhận thức mà trước đây một bộ phận ngư dân của nước ta có thói quen tự ý đi tìm ngư trường khai thác mới hoặc chạy theo sự di cư mùa vụ của các loại hải sản. Thực hiện khuyến cáo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, cùng với các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương, thời gian qua cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 1 đã tích cực đồng hành, góp phần tạo thay đổi nhận thức, hành động cho bà con ngư dân khi hành nghề trên biển. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền cho ngư dân các quy định về chống khai thác IUU, chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển triển khai cho tất cả chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Những hoạt động trên đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi từ nhận thức đến hành vi của ngư dân khi đánh bắt thuỷ hải sản trên biển”.

(Theo baoquangninh)

Mời Quý DN thủy sản tham gia khảo sát về khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid - 19

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục