Các đội tàu Đài Loan bị cáo buộc lạm dụng và khai thác bất hợp pháp

(vasep.com.vn) Các cuộc khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức Công lý Môi trường (EJF) đã cho thấy việc lạm dụng bạo lực với công nhân nhập cư và đánh bắt bất hợp pháp là những vấn đề mang tính hệ thống trên các đội tàu đánh bắt ngoài khơi của Đài Loan.

EJF đã khảo sát lao động từ 62 tàu, với 24% báo cáo về lạm dụng thể chất và 92% cho biết bị giữ lại tiền lương.

Các lao động được khảo sát trên nửa số tàu này cho biết cá mập đã bị vứt đi sau khi cắt và giữ lại vây.

Từ tháng 8/2018 tới tháng 11/2019, EJF đã phỏng vấn 71 ngư dân Indonesia, nhưng người đã làm việc trên 62 tàu của Đài Loan. Lao động nghề cá trên ¼ số tàu này cho biết họ bị lạm dụng bạo lực về thể chất, hầu hết các công nhân này đã bị thuyền trưởng hay thuyền viên cao cấp đá và đánh đập. 

92% các thuyền viên được phỏng vấn cho biết họ đã bị giữ lại lương khiến cho họ phải nợ nần. 82% thuyền viên phải làm việc quá giờ, nhiều ngư dân cho biết họ phải làm việc tới 20 giờ/ngày với rất ít thời gian để nghỉ ngơi.

Ngoài ra, các tàu này còn coi thường trắng trợn luật pháp và các loài động vật hoang dã. Các loài cá heo được bảo vệ đã bị đánh bắt, kéo lên tàu và được dùng làm mồi nhử để đánh bắt cá mập. Hành động này đã được các ngư dân từ 8 trong số 62 tàu trên cho biết. Thuỷ thủ từ một nửa số tàu trên cho biết họ đã đánh bắt cá mập bất hợp pháp để lấy vây và vứt bỏ xác, một số tàu còn đánh bắt và giết cá voi sát thủ.

Phát hiện của EJF được đưa ra sau một báo cáo của tổ chức Hoà bình Xanh Đông Á (Greenpeace East Asia) vào tháng 3/2020 đã ghi nhận về những nghi ngờ về việc cưỡng bức lao động và phá hoại môi trường trên các tàu Đài Loan.

Báo cáo về nạn buôn người năm 2020 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cuối tháng 6 cũng gây lo ngại nghiêm trọng, báo cáo cho biết ngư dân nhập cư đã báo cáo về việc thuyền viên cao cấp sử dụng các chiến thuật cưỡng chế như đe dọa bạo lực về thể xác, đánh đập, giữ thức ăn và nước uống, giữ lại giấy tờ tùy thân, khấu trừ lương và chia sẻ bắt buộc ngoài hợp đồng về chi phí vận hành tàu để giữ lại lao động của họ.

Báo cáo này cũng cho thấy các giao thức kiểm tra và việc không đủ nhân viên tiếp tục cản trở các nỗ lực chống cưỡng bức lao động trên các tàu đánh bắt của Đài Loan và các tàu thuộc sở hữu của nước này. EJF cho biết mặc dù những phát hiện này không dẫn đến việc Đài Loan bị hạ cấp trong hệ thống xếp hạng báo cáo, nhưng chúng chỉ ra nhu cầu cấp thiết về cải cách.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục