Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Giải pháp giúp ngư dân chủ động khai thác hải sản an toàn

Tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực góp phần cùng cả nước khắc phục “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Khắc phục thẻ vàng IUU Giải pháp giúp ngư dân chủ động khai thác hải sản an toàn
Ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa lắp đặt thiết bị giám sát hành đầy đủ.

Ông Lê Văn Sáng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa đang nỗ lực góp phần cùng cả nước khắc phục “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Theo đó tỉnh tập trung vào việc tuyên truyền cho ngư dân về các quy định liên quan đến hồ sơ, thủ tục, giấy tờ về tàu cá đặc biệt là các quy định về lắp thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá.

* Đồng hành cùng ngư dân bám biển

Có mặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa biển Lạch Trường (Đồn biên phòng Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) trong cái nắng đổ lửa những ngày tháng 7, chúng tôi chứng kiến hàng trăm tàu cá khai thác xa bờ đang về cập bến sau gần nửa tháng đánh bắt trên biển. Tàu vừa cập bến, hải sản đưa lên bờ đã có lực lượng chức năng kiểm tra sổ nhật ký đánh bắt, sản lượng khai thác và vùng đánh bắt.

Bộ đội biên phòng đồn Hoằng Trường phổ biến giáo dục pháp luật về khai thác IUU.

Lúc này, những cán bộ, chiến sĩ biên phòng khu vực biên giới biển lại tích cực “bám bến, bám tàu, bám chủ phương tiện” đi từng tàu cá để tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và các quy định khác cho ngư dân chủ động khai thác bảo đảm an toàn, không vi phạm pháp luật, hạn chế thấp nhất số tàu cá vi phạm liên quan.

Sau khi kiểm tra nhật ký đánh bắt, vùng đánh bắt, báo cáo sản lượng khai thác, toàn bộ hải sản trên tàu của anh Trương Đình Đông được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc rồi bán ra thị trường.
Anh Trương Đình Đông chủ tàu TH 90731 TS cho biết, suốt 3 năm qua ngư dân nơi đây được biên phòng và lực lượng chức năng tuyên truyền về khai thác IUU nên luôn tuân thủ các quy định, không vi phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt. Các tàu thực hiện nghiêm túc việc đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, lắp thiết bị VMS… nên rất tự tin vươn khơi, bám biển.

Thời gian qua, Đồn Biên phòng Hoằng Trường (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa) là một trong những lực lượng mũi nhọn trong công tác tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và giữ gìn an ninh biển đảo, góp phần nâng cao ý thức và kiến thức pháp luật cho ngư dân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong khai thác thủy hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Đồn trưởng đồn Biên phòng Hoằng Trường- Trần Văn Hoàn cho biết, để cập nhật thêm các kiến thức, khuyến nghị của EC đạt hiệu quả, cán bộ đồn cũng thường xuyên lên mạng internet tìm hiểu thông tin.

Sau đó, dịch sang tiếng Việt và phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khai thác IUU cho  lao động trên biển là các ngư dân, chủ tàu cá, thuyền trưởng, máy trưởng.

Bộ đội biên phòng đồn Hoằng Trường kiểm tra mắt lưới khai thác thủy sản của ngư dân.

Từ đó, giúp họ hiểu biết các vùng biển chồng lấn, tranh chấp để chủ động khai thác bảo đảm an toàn, không vi phạm pháp luật và nêu rõ các tác hại nếu không tuân thủ các quy định IUU.

Bên cạnh đó, lãnh đạo đồn Biên phòng Hoằng Trường cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt đối với các tàu thuyền, phương tiện. Với những tàu thuyền, phương tiện có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và đầy đủ các thủ tục thì mới cho đi khai thác, đánh bắt thủy hải sản.

Với cách làm này, mỗi cán bộ, chiến sĩ của đồn thực sự trở thành những tuyên truyền viên tích cực, sâu sát, bám chắc địa bàn phụ trách và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Cũng sau 3 năm triển khai thực hiện, huyện Hoằng Hóa trở thành địa phương ven biển tiêu biểu ở Thanh Hóa có 100% phương tiện khai thác, đánh bắt xa bờ được đánh dấu đúng quy định và có trên 95% phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đại đa số ngư dân tại địa bàn đều ý thức tốt, tuân thủ nghiêm túc các quy định trong sản xuất nghề biển.

* Các giải pháp mạnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, để khắc phục “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu âu (EC), các lực lượng chức năng ở Thanh Hóa đã tiến hành quản lý chặt việc ghi, nộp nhật ký khai thác để truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

Bộ đội biên phòng đồn Hoằng Trường tuần tra kiểm soát khi tàu thuyền vào bờ.

Tỉnh cũng đang khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, hiện đã có 47,2% tổng số tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhiều tàu cá được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với tàu cá có chiều dài lớn từ 15m trở lên.
Ngoài ra, Thanh Hóa đang tập trung tuần tra, kiểm soát, giám sát để phát hiện các vi phạm liên quan đến khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và kiến nghị các chủ tàu tuân thủ quy định khi ra khơi đánh bắt.
Các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trước khi ra khơi đều phải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ của Chi cục Thủy sản, các trạm, đồn biên phòng đứng chân ở các huyện ven biển, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa tàu và Trạm bờ.

Trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản Thanh Hóa sẽ thực hiện việc xác nhận tàu có hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bằng hệ thống giám sát định vị vệ tinh. Nếu phát hiện ngư dân tắt thiết bị giám sát hành trình, Trạm bờ sẽ thông báo về các địa phương để các địa phương nhắc nhở chủ tàu, thuyền trưởng bật máy định vị, nếu cố tình sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật.

Nhờ đó, nhận thức của ngư dân, các tổ chức, cá nhân về Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật được nâng lên. Chủ tàu cá và ngư dân đã cơ bản chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trên địa bàn tỉnh không có tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

Các cảng cá đã từng bước khắc phục các hạn chế được chỉ ra trong các đợt kiểm tra của Tổng cục Thủy sản như việc ghi thông tin tàu cá cập cảng, sản lượng cập cảng, thu nhật ký khai thác...

Bộ đội biên phòng đồn Hoằng Trường kiểm tra mắt lưới khai thác thủy sản của ngư dân.

Tuy nhiên, các kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều chủ tàu, thuyền trưởng chưa ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản hoặc không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển.

Số tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, quá hạn đăng kiểm, chưa có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm còn cao. Cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được các điều kiện của EC về chống khai thác IUU…

Ông  Lê Văn Sáng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho hay, tỉnh bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng cũng như giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, đúng quy định của pháp luật, từ đó khuyến khích ngư dân lắp đặt thiết bị theo sự hướng dẫn của Nhà nước.

Qua việc "khắc phục" thẻ vàng IUU, Thanh Hóa sẽ tăng cường quản lý nhà nước về cảng cá, yêu cầu các Ban quản lý cảng cá tập trung kiểm soát tàu cá trước khi cập, xuất cảng đảm bảo các quy định của EC liên quan đến việc chứng nhận xuất xứ các sản phẩm khai thác thủy sản tại cảng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đang đề xuất với UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân; trong đó, có việc hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hỗ trợ 300.000 đồng phí thuê bao hàng tháng để duy trì thiết bị giám sát hành trình, nhằm giảm bớt khó khăn cho bà con ngư dân.

(Theo BNews)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục