Gấp rút hoàn thành mục tiêu gỡ ‘thẻ vàng’ trong năm 2022

Để gỡ ‘thẻ vàng’ trong năm 2022, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025.

Đặt mục tiêu gỡ “thẻ vàng” trong năm 2022

Trong những năm qua, thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn lợi và khai thác thủy sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, phát triển thiếu bền vững, chưa đáp ứng đầy đủ các quy định pháp lý về quản lý nghề cá.

Do vậy, ngày 23/10/2017 Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Khai thác IUU).

Với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, sau hơn 4 năm, công tác chống khai thác IUU đã đạt được những kết quả quan trọng như hệ thống pháp luật về thủy sản từng bước hoàn thiện, tàu cá vi phạm vùng biển các nước đã giảm so với các năm trước…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế chậm khắc phục. Điển hình như tình hình tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài tiếp tục tiếp diễn. Đây là vấn đề lớn, mang tính chất quyết định. Phía EC khẳng định sẽ không gỡ “thẻ vàng” nếu chưa chấm dứt được tình trạng này.

Bên cạnh đó, ngư dân Việt Nam vẫn chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát VMS theo quy định. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng qua cảng để thực hiện đúng quy định về chứng nhận, xác nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác còn chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo độ tin cậy.

Ngoài ra, kết quả thực thi pháp luật, xử phạt còn chưa nghiêm, thống nhất giữa các địa phương, chế tài xử phạt còn chưa đủ mạnh so với các nước trong khu vực, chưa đảm bảo tính răn đe…

Theo đó, nếu không giải quyết được hoạt động khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác, rất có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” và tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Ngoài ra, EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự.

Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2022 Việt Nam có thể gỡ “thẻ vàng” của EC, ngay từ đầu năm 2021, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thủy sản đã chủ động rà soát, kịp thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định pháp luật để xây dựng Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025.

Từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã bị tác động rõ rệt và liên tục giảm sút qua các năm. Thị trường EU từ vị trí thứ 2 trong top thị trường nhập khẩu hải sản của Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 5 kể từ năm 2018.

Chi phí xuất khẩu tăng cao, thời gian thông quan kéo dài, 100% lô hàng hải sản có nguồn gốc từ khai thác xuất khẩu sang thị trường EU đều bị giữ lại để kiểm tra gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời gây ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam.

(Theo báo Nông nghiệp) 

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục