Đối diện nguy cơ bị châu Âu phạt ‘thẻ đỏ’, Thủ tướng Việt Nam ra hạn gỡ ‘thẻ vàng’

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 7/9 ra thời hạn cho các địa phương có tàu cá đánh bắt bất hợp pháp bị Liên minh châu Âu (EU) phạt “thẻ vàng” phải chấm dứt tình trạng vi phạm vào cuối năm nay, trước nguy cơ có thể bị EU tiếp tục phạt “thẻ đỏ” nếu không cải thiện.
Đối diện nguy cơ bị châu Âu phạt ‘thẻ đỏ’ Thủ tướng Việt Nam ra hạn gỡ ‘thẻ vàng’
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Việt Nam hiện đang đối mặt với khoản thiệt hại lên tới 480 triệu USD mỗi năm trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU nếu bị phạt “thẻ đỏ”.

Việt Nam bị Ủy ban châu Âu đã phạt “thẻ vàng” vào tháng 10/2017 và cảnh báo có thể sẽ cấm nhập thủy sản từ Việt Nam nếu Hà Nội không “làm nhiều hơn” để giải quyết tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU).

Hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt thủy sản lậu được EU thông qua năm 2010. “Thẻ vàng” không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”. “Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các sản phẩm thủy sản của quốc gia đó.

Kể từ sau khi phạt “thẻ vàng”, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam hai lần vào các năm 2017, 2019. Nhưng đến nay, sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, Việt Nam không những chưa gỡ được “thẻ vàng” mà còn có nguy cơ bị nâng lên “thẻ đỏ” vì tàu cá Việt Nam tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các vùng biển nước ngoài, theo Vietnamnet.

Vì vậy, trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) hôm 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chậm nhất trong năm nay, các tỉnh phải chấm dứt tình trạng vi phạm của các tàu cá bằng các biện pháp như lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá, kiểm soát chặt chẽ tàu cá, tuyên truyền, vận động người dân, hoàn thiện thể chế, khung pháp lý để xử lý vi phạm…

Theo báo cáo có tên “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU): Trường hợp Việt Nam” của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Ngân hàng Thế giới công bố vào ngày 10/8, ước tính Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 387 triệu USD mỗi năm do mất doanh thu xuất khẩu từ hải sản đánh bắt tự nhiên bao gồm cá ngừ, mực và bạch tuộc, và 93 triệu USD mỗi năm do mất thu nhập từ xuất khẩu thủy sản nuôi, vốn sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi lệnh cấm của EU.

Báo cáo cho thấy sản lượng hải sản đánh bắt tự nhiên của Việt Nam có thể giảm khoảng 30% trong vòng hai đến ba năm khi “thẻ đỏ” được áp dụng.

Trong khoảng thời gian từ sau khi bị “thẻ vàng”, từ giữa năm 2017 đến hết năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giảm đi 183,5 triệu USD, riêng hải sản giảm 43 triệu USD, và xuất khẩu tiếp tục giảm sâu hơn trong năm 2020 do tác động kép của “thẻ vàng” IUU và đại dịch Covid-19, vẫn theo báo cáo.

Kể từ năm 2019, EU từ vị trí thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn thứ hai của Việt Nam đã rơi xuống vị trí thứ tư, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo nhận định của VASEP, nếu gỡ được “thẻ vàng”, ước tính Việt Nam sẽ thu về từ 1,2 – 1,4 tỷ USD xuất khẩu thủy sản sang EU, phần lớn là nhờ Hiệp định Thương mại giữa EU và Việt Nam (EVFTA).

Thuỷ sản hiện đóng góp vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm 4% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước và tạo ra khoảng 4,7 triệu việc làm cho người dân Việt Nam.

(Theo VOA)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục