Trong thư, các Hiệp hội cho biết đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 do biến chủng Delta khiến việc giãn cách xã hội tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh miền Nam đã kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Giãn cách, phong toả diện rộng và kéo dài khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn và tình hình này không thể kéo dài. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của Tp. Hồ Chí Minh tháng 8/2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%. Khoảng 18% DN EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông-ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.
Trong tinh thần cao nhất của cộng đồng DN là luôn chung tay với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với các tiếp cận chống dịch linh hoạt mới, thì yêu cầu khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách. Để đảm bảo cả 03 trụ cột y tế, kinh tế, xã hội như “kiềng 3 chân”. Cộng đồng DN rất hoan nghênh Thủ Tướng Chính Phủ, tại cuộc họp ngày 29/08/2021, đã xác định quan điểm “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, tức là chuyển từ mục tiêu “Zero Covid” hiện nay sang mục tiêu “Sống chung với Covid”. Quan điểm này phù hợp với quan điểm của WHO nêu ngày 07/9/2021 và quan điểm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Để thực hiện được yêu cầu cấp bách lúc này, các Hiệp hội doanh nghiệp chúng tôi sau khi trao đổi nhiều lần với các DN thành viên và chuyên gia, xin mạnh dạn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới” thống nhất quản lý trên toàn quốc để vừa từng bước phù hợp phục hồi kinh tế, mà vẫn kiềm chế được dịch:
1. Thống nhất quản lý toàn quốc.
2. Quản lý bệnh theo Điểm.
3. Phòng chống dịch tại Điểm sản xuất.
4. Phòng chống dịch tại điểm dân cư.
5. Phòng chống dịch đối với giao thông vận tải.
6. Cách ly y tế.
7. Xét nghiệm y tế.
8. Chi trả phí xét nghiệm và điều trị.
9. Hỗ trợ phục hồi kinh tế.
10. Thống kê y tế, thử nghiệm PCD chi phí thấp.
11. Thông tin tuyên truyền.
Kèm theo là văn bản “Biện pháp thực hành chống dịch trong nhà máy” của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú và Cty Công nghệ Hoá chất Lotus.
Kính đề nghị Thủ tướng, các Phó Thủ tướng quan tâm xem xét chỉ đạo để bên cạnh công tác chống dịch theo tiếp cận mới, các DN có thể nhanh chóng khôi phục lại được hoạt động sản xuất góp phần cùng Chính phủ đảm bảo 03 trụ cột y tế, kinh tế, xã hội.