Các Hiệp hội doanh nghiệp luôn ủng hộ và cam kết việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Vì vậy, các Hiệp hội và Doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và đã có nhiều góp ý trực tiếp đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là “Dự thảo”) trong suốt thời gian qua, và cũng gửi Thư góp ý trực tiếp ngày 11/10 gửi Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ liên quan.
Ngày 18/10/2021, trong cuộc họp với 15 Hiệp hội, sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Ban Soạn thảo sửa đổi 7 nhóm vấn đề trong Dự thảo cho 4 nội dung lớn (cấp phép, quan trắc, thủ tục hành chính và trách nhiệm mở rộng) và đã được truyền thông đưa tin rộng rãi. Tuy nhiên, trong Dự thảo mới nhất mà Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ để xem xét ban hành, ngoài một số vấn đề đã được giải quyết, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều vấn đề khác chưa được giải quyết theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Các vấn đề còn tồn tại trong Dự thảo không phù hợp với các Luật hiện hành và điều kiện thực tiễn Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho phát triển đất nước mà không khuyến khích được bảo vệ môi trường, đặc biệt là phát sinh thủ tục hành chính, cơ chế xin cho. Với mong muốn có một Nghị định phù hợp và khả thi, các Hiệp hội kính đề nghị Thủ tướng xem xét góp ý của các Hiệp hội, và Văn phòng Chính phủ tổ chức đối thoại để làm rõ và giải quyết những quan ngại của các doanh nghiệp về Dự thảo này, gồm 1 góp ý chung và 6 góp ý-đề xuất cụ thể như đã nêu trong thư của các Hiệp hội gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 11/10/2011.
Các Hiệp hội mong nhận được sự quan tâm xem xét và chỉ đạo của Chính phủ để Việt Nam có được một Nghị định có tính khả thi cao, hội nhập với các cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giúp bảo vệ môi trường và tạo thuận lợi cho sản xuất-kinh doanh.