Ngày 19/3/2018, Hiệp hội nhận được văn bản của Công ty TNHH Hải Vương phản ánh về vướng mắc trong việc không xin được Giấy chứng nhận tái xuất thủy sản có nguồn gốc nhập khẩu cho các lô sản phẩm cá cờ kiếm (Swordfish) và cá ngừ mắt to (Bigeye Tuna) theo quy định của Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) theo mẫu ICCAT SWORDFISH RE-EXPORT CERTIFICATE và ICCAT RE-EXPORT CERTIFICATE. Đây là điều kiện bắt buộc để xuất khẩu các dòng hàng này vào đa số thị trường lớn hiện nay.
Theo đó, trước đây hai Giấy chứng nhận này được các Chi cục Thủy sản địa phương xác nhận bình thường. Tuy nhiên, sau khi Bộ NNPTNT ban hành Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT ngày 30/3/2015 quy định chứng nhận và xác nhận thủy sản khai thác và sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/1/2018 thì cả các Chi cục Thủy sản địa phương và hệ thống của Cục NAFIQAD đều từ chối xác nhận các Giấy Chứng nhận này với lý do không được Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT và Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT giao thẩm quyền thực thi.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc nói trên, tạo điều kiện cho hoạt động chế biến và xuất khẩu của Công ty TNHH Hải Vương nói riêng và các Công ty chế biến và xuất khẩu hải sản nói chung được diễn ra bình thường, giúp các DN yên tâm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kính đề nghị Thứ trưởng xem xét và chỉ đạo kịp thời để:
1. Có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp về thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận và cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tái xuất ICCAT cho các sản phẩm cá ngừ và cá kiếm chế biến từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng như đăng ký con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền với các cơ quan, tổ chức liên quan ở nước ngoài.
2. Trong thời gian chưa có văn bản xác định thẩm quyền của cơ quan chịu trách nhiệm xác nhận các Giấy chứng nhận này và đăng ký con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền thì tạm thời phân công cho các Chi cục Thủy sản địa phương tiếp tục chịu trách nhiệm xác nhận cho các Giấy chứng nhận nói trên để không ảnh hưởng đến việc chế biến và xuất khẩu của các DN.
Đỗ Hương