Thực hiện chủ trương của Chính phủ về “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, các DN thủy sản đã đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ hàng thủy sản tại thị trường nội địa thời gian qua. Đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do Covid -19 trong khi đang là thời điểm các siêu thị, cửa hàng bán lẻ tích cực nhập hàng để phục vụ tiêu dùng của người dân dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản tại thị trường nội địa càng được tăng cao, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản.
Tuy nhiên hiện tại, một số mặt hàng thủy sản đang không đưa được vào các siêu thị tại thị trường nội địa với lý do có sự hiện diện của dư lượng Enrofloxacin và Ciprofloxacin (là hai kháng sinh bị cấm sử dụng trong thủy sản) mặc dù mức dư lượng của cả hai kháng sinh này trong các lô sản phẩm thủy sản có mức phát hiện rất thấp.
Đối với mặt hàng thủy sản tiêu thụ nội địa, Thông tư 28/2019/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2019 Việt Nam quy định về yêu cầu kỹ thuật kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản (Điêu 6) đã cho phép sản phẩm thủy sản “được phép lưu thông, tiêu thụ” nếu các sản phẩm có kết quả phân tích < ngưỡng MRPL (giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu) đối với các chỉ tiêu kháng sinh cấm sử dụng. Tuy nhiên, Thông tư 28/2019/TT-BNNPTNT chưa ban hành mức MRPL của 02 kháng sinh kể trên trong sản phẩm thủy sản.
Thực tế, trong Quyết định 1471/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/6/2012 của Bộ NNPTNT sửa đổi danh mục chỉ tiêu hóa học chỉ định kiểm nghiệm đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu kèm theo Quyết định 2864/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/11/2011 đã ban hành mức MRPL đối với Enrofloxacin là 10 µg/kg (tại Mục I, II và VII của Phụ lục).
Để đồng bộ hóa hệ thống các văn bản pháp quy về mức MRPL trong sản phẩm thủy sản đồng thời tạo điều kiện cho việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại thị trường nội địa, góp phần thúc đẩy chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, Hiệp hội VASEP kính đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét bổ sung qui định về ngưỡng MRPL đối với Enrofloxacin và Ciprofloxacin (dẫn xuất của Enrofloxacin) trong Thông tư 28/2019/TT-BNNPTNT ở mức 10 µg/kg.