Trong hội nhập Quốc tế hiện nay, các DN Thủy sản đang rất nỗ lực hoàn thiện mình để sẵn sàng hội nhập. Đảng, Nhà nước, Chính Phủ và các Bộ ngành luôn tạo điều kiện thông thoáng, sửa đổi các bộ Luật, tháo bỏ các thủ tục hành chính gây khó khăn, cản trở cho sự phát triển của DN. Bên cạnh các chính sách an sinh xã hội hết sức ý nghĩa của Chính phủ, thì việc ban hành Nghị quyết 19/2016/NĐ-CP và Nghị quyết 35/2016/NĐ-CP để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và cho quốc gia đã cho thấy được chủ trương lớn và nỗ lực đặc biệt của Chính phủ cho “sức khỏe” của DN và người lao động. Nhiều thủ tục về đầu tư, về Thuế, Hải Quan, kiểm tra chuyên ngành đã có bước chuyển biến đáng kể, tạo thuận lợi cho DN.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, đó chỉ là điều kiện cần song chưa đủ. Một điều rất quan trọng nữa mà Nhà Nước, Chính phủ và các Bộ ngành cần quan tâm hơn để cứu lấy các DN có số đông lao động như ngành chế biến Thủy sản trong lúc này đó là chi phí lao động và bất cập của một số quy định trong luật Lao động, cũng như đảm bảo thu nhập cho người lao động thực thụ hiện nay.
Trong khuôn khổ Báo cáo Kiến nghị này, Hiệp hội VASEP xin trình bày vấn đề tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2017 hết sức quan trọng và thực tế liên quan đến lao động, liên quan đến các DN có sử dụng nhiều lao động trong thời hội nhập.
- Chỉ số CPI là một tiêu chí quan trọng để làm căn cứ tăng LTT.
- Thêm vào đó, LTT vùng là mức lương quy định để các DN không được trả lương cho người lao động dưới mức này. Tuy nhiên, mức lương này cũng phải dựa vào năng suất lao động là chính.
- Các DN chế biến Thủy sản đã & đang trả lương cho người lao động luôn cao hơn lương tối thiểu từ 50-70%. Thực tế, Lương tối thiểu (LTT) là lương nền cho việc đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công đoàn.
- Thực sự tăng LTT hàng năm chỉ làm tăng thêm phần nộp vào quỹ bảo hiểm và quỹ kinh phí Công đoàn trong khi DN không thể lấy khoản nào để bù cho việc tăng các khoản nộp khấu trừ vào lương do tăng LTT hàng năm trong khi năng suất lao động không tăng.
- Các DN thủy sản chúng tôi đang lo ngại khi các Hiệp định thương mại có hiệu lực mở ra nhiều cơ hội hơn thì sự cạnh tranh của thủy sản Việt Nam sẽ ra sao khi giá nguyên liệu của VN luôn cao hơn, cũng như mức tiền công đang nhiều hơn các nước trong khu vực.
- Trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2015, Tổ chức này cũng tỏ rõ sự quan ngại về vấn đề LTT và những ảnh hưởng không nhỏ của nó tới nền kinh tế. Một trong số những điểm gợi ý về chính sách được chuyên gia WB đề cập là việc tăng lương tối thiểu sẽ đạt hiệu quả tối đa nếu được quyết định dựa trên các yếu tố thực tế về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
Bằng văn bản này, Hiệp hội VASEP trân trọng báo cáo và kính đề nghị Ban Bí Thư, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ Ngành xem xét tình hình kinh doanh khó khăn trong thực tế hiện nay, xem xét không tăng Lương tối thiểu năm 2017, đồng thời cho phép giãn thời gian tăng Lương tối thiểu lên 2-3 năm một lần và điều chỉnh lại mức đóng các khoản bảo hiểm phù hợp nhất cho người lao động.
Đỗ Hương