Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương chủ động triển khai các biện pháp nhằm sớm khôi phục sản xuất nuôi trồng thủy sản:
1. Tổ chức thu gom xử lý rác thải, chất thải, thuỷ sản chết theo quy định. Đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đặc biệt vùng nuôi trồng thuỷ sản trên biển.
2. Tổ chức thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, tổng hợp nhu cầu, hỗ trợ thiệt hại kịp thời người nuôi trồng thủy sản, xây dựng kế hoạch và giải pháp khôi phục, phát triển nuôi trồng thủy sản sau bão phù hợp với điều kiện địa phương (kế hoạch sản xuất, cung cấp con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, gia cố ao đầm, lồng bè …).
3. Hướng dẫn kỹ thuật phục hồi, chăm sóc sức khoẻ đàn thuỷ sản nuôi còn lại sau bão, đồng thời hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản tu sửa, khôi phục hệ thống lồng, bè (lưu ý sử dụng vật liệu mới, thân thiện môi trường, có khả năng chống chịu với điều kiện khắc nghiệt trên biển), ao đầm nuôi trồng thủy sản, công trình phụ trợ đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật; chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, sẵn sàng thả giống khi điều kiện môi trường cho phép.
4. Tập trung quan trắc, giám sát môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do bão và kịp thời chuyển tải thông tin, khuyến cáo và hỗ trợ ngư dân trong quá trình nuôi trồng thuỷ sản.
5. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và hướng dẫn các biện pháp phòng, trị bệnh trên động vật thủy sản.