(vasep.com.vn) Oceana, một tổ chức phi lợi nhuận bảo tồn đại dương có trụ sở tại Washington, D.C., Hoa Kỳ, vừa công bố kết quả của một cuộc khảo sát mới cho thấy người dân Mỹ ủng hộ các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt hơn đối với hải sản họ tiêu thụ, bao gồm tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng hải sản và giảm thiểu các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp.
Khảo sát cho thấy 90% người được hỏi mạnh mẽ ủng hộ việc áp dụng các tiêu chuẩn cho hải sản nhập khẩu giống như hải sản đánh bắt tại Hoa Kỳ. 88% muốn có các hình phạt nặng hơn đối với các công ty nhập khẩu hoặc bán hải sản bị đánh bắt bất hợp pháp, và 85% đồng ý rằng hải sản họ mua phải có khả năng truy xuất đầy đủ từ thuyền đánh cá đến bàn ăn.
Việc công bố khảo sát này diễn ra trong bối cảnh Oceana tiếp tục lo ngại về Chương trình Giám sát Nhập khẩu Hải sản (SIMP) của chính phủ Hoa Kỳ. Được thiết lập vào năm 2016, chương trình yêu cầu tài liệu đánh bắt và khả năng truy xuất đối với một số sản phẩm hải sản có nguy cơ cao bị đánh bắt bất hợp pháp và gian lận, nhưng hiện tại chương trình này chỉ áp dụng cho 13 loại hải sản nhập khẩu. Ngoài ra, chương trình chỉ truy xuất các sản phẩm từ thuyền đến biên giới Hoa Kỳ, bỏ qua các bên liên quan khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu của quá trình sản xuất hải sản.
Oceana cho biết hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một hoạt động rủi ro thấp nhưng mang lại lợi nhuận cao cho những người vi phạm, đặc biệt là ở vùng biển quốc tế, nơi có khung pháp lý rời rạc và thiếu sự thực thi hiệu quả, cho phép những hoạt động này diễn ra gần như không bị kiểm soát. Oceana cũng lo ngại rằng các hoạt động IUU như đánh bắt không có giấy phép, phớt lờ giới hạn sản lượng, hoạt động trong các khu vực cấm, nhắm vào động vật hoang dã được bảo vệ và sử dụng thiết bị đánh bắt bị cấm tiếp tục diễn ra sẽ góp phần phá hủy các môi trường sống quan trọng của đại dương, làm suy giảm nguồn cá và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu trong tương lai gần.
Thông qua cuộc khảo sát này, Oceana muốn cho thấy người dân Mỹ cũng có quan điểm tương tự.
Oceana cho biết, việc thiếu các hành động không chỉ góp phần làm cạn kiệt nguồn cá mà còn tạo ra lợi thế không công bằng cho những kẻ đánh bắt bất hợp pháp so với những người tuân thủ luật lệ. Các tàu đánh bắt cá bất hợp pháp đã lách luật và né tránh giám sát để thu lợi nhuận cao hơn và trong một số trường hợp, còn sẵn sàng cắt giảm chi phí hơn nữa bằng cách bóc lột công nhân thông qua lao động cưỡng bức.