Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là loài tôm nước ngọt được nuôi ở nhiều nước trên thế giới nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh và có giá trị kinh tế cao.
Tôm càng xanh
Vì vậy, bệnh trên tôm càng xanh cũng ngày càng xuất hiện nhiều, gây nguy hiểm, khó khăn trong việc điều trị và gây thiệt hại kinh tế. Trong đó có bệnh trắng đuôi ở tôm càng xanh (WTD) gây chết với tỷ lệ cao và chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây nhiễm ở tất cả các giai đoạn tôm nuôi.
Bệnh này xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc và Đài Loan. Tại Việt Nam, tuy chưa nghiên cứu nhiều về bệnh này, nhưng cũng đã có những thông báo ở các trại sản xuất giống, bệnh đuôi trắng xuất hiện ở ấu trùng và tỷ lệ chết rất cao.
Tác nhân
Bệnh trắng đuôi là bệnh gây ra bởi vius Macrobrachium rosenbergii Nodavirus (MrNV), có hình khối 20 mặt, không có vỏ bao, đường kính 25nm và virus siêu nhỏ (XSV) có hình khối 20 mặt, đường kính 15mn. Chúng gây ra dạng trắng sữa trong ấu trùng/hậu ấu trùng, gây ra tỷ lệ chết lớn trong tôm càng nước ngọt M.rosenbergii.
Triệu chứng
Sự xuất hiện màu trắng đục ở phần đuôi là dấu hiệu lâm sàng nổi bật, do đó bệnh được đặt tên là bệnh trắng đuôi. Tỷ lệ chết là 100% sau 2 – 3 ngày kể từ ngày phát hiện các dấu hiệu lâm sàng.
Tôm postlarvae tôm thường kém ăn, xuất hiện màu trắng đục ở phần bụng.
Tôm lờ đờ, giảm ăn, phần cơ bụng chuyển sang mờ đục ở giai đoạn ấu trùng và ở tôm thương phẩm. Phần đục này dần lan rộng ra toàn thân và dẫn đến hoại tử phần đuôi khi tôm bị bệnh nặng. Đã có những trường hợp tôm bị bệnh nặng khi quan sát cho thấy hoàn toàn mất hẳn phần đuôi.
Phần đầu ngực gia tăng kích thước lớn gấp đối so với kích thước ban đầu. Trong các trại ương giống khi tôm nhiễm bệnh tỷ lệ chết lên tới 100%.
Phòng bệnh
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị bệnh hiệu quả. Trên thực tế không có nghiên cứu nào được tiến hành trong kiểm soát và phòng ngừa WTD. Tuy nhiên, các biện pháp phòng bệnh thích hợp như theo dõi đàn giống và hậu ấu trùng, việc quản lý tốt có thể giúp ngăn ngừa WID trong các hệ thống nuôi.
Người nuôi có thể áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, cụ thể như:
- Lựa chọn nguồn tôm bố mẹ tốt, đảm bảo khỏe mạnh, sạch bệnh;
- Chuẩn bị ao nuôi thật kỹ trước mỗi vụ nuôi như cải tạo ao, vệ sinh, diệt khuẩn;
- Nguồn nước nuôi phải sạch, không bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải công nghiệp, sinh hoạt,…;
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi các yếu tố môi trường nước nuôi, tránh để ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường nuôi;
- Bổ sung vitamin và khoáng chất cho tôm nuôi để tăng cường sức đề kháng,…
Ngoài ra, người nuôi cần tuân thủ áp dụng các biện pháp phòng bệnh trong suốt quá trình nuôi. Đối với trại sản xuất giống, cần phải thường xuyên kiểm tra đuôi tôm bố mẹ trước khi cho sinh sản.
Theo tepbac.com