Giữa lúc các doanh nghiệp trong ngành cá tra đang đối mặt với vô vàn khó khăn thì công ty thuỷ sản Hùng Vương (HVG) vẫn phát triển ổn định. Hiện tại, các nhà máy chế biến cá tra của Hùng Vương đang chạy hết công suất. Có 60% sản lượng cá tra bán cho khách hàng truyền thống là hệ thống siêu thị, mang tính chất ổn định, chỉ có 30% còn lại bán bên ngoài, tăng giảm tuỳ theo tình hình thị trường.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị lý do vì sao mà Hùng Vương có thể làm được điều này, ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cho biết: Hùng Vương được như ngày hôm nay, nhờ xây dựng tính chuyên nghiệp từ nhiều năm trong chuỗi khép kín, từ sản xuất thức ăn, con giống, đến khâu nuôi trồng, chế biến. Chẳng hạn, với vấn đề nguyên liệu, Hùng Vương đặt kế hoạch tăng trưởng căn cứ vào tình hình xuất khẩu hàng năm và định hướng phát triển hàng năm chứ không chạy theo thị trường. Ví dụ như năm 2013 chúng tôi định hướng xuất khẩu của cả tập đoàn là 300 triệu USD, thì phải xây dựng được sản lượng 200.000 tấn nguyên liệu. Chúng tôi không tham, thị trường mình có bao nhiêu thì tính toán nuôi vừa đủ chứ không vượt quá để rồi vừa tốn chi phí nuôi, vừa chịu rủi ro thị trường.
Để nuôi được sản lượng cá tra lên đến hàng trăm ngàn tấn, cần tới hàng ngàn tỉ đồng, Hùng Vương làm thế nào có nguồn tiền này?
Tôi khẳng định rằng Hùng Vương sử dụng rất ít vốn vay ngân hàng vào mục đích nuôi trồng. Để có được vùng nuôi hơn 500ha, sản lượng 150.000 tấn nguyên liệu, chúng tôi phải tích luỹ qua nhiều năm. Hàng năm, Hùng Vương đều trích một phần lợi nhuận trong quá trình nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu để đầu tư vào vùng nguyên liệu. Ngoài ra, vốn đầu tư vùng nuôi còn được lấy từ việc thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Hiện nay, toàn bộ cơ sở vật chất đầu tư sau mười năm của Hùng Vương đã khấu hao từ 50 – 80%, nguồn nào thu hồi được chúng tôi dành vào nuôi trồng để tạo ra nguyên liệu phục vụ chế biến. Bên cạnh đó, do chủ động được xuất khẩu trên cơ sở kích cỡ cá nuôi có sẵn trong ao cũng giúp công ty quay vòng vốn nhanh, do đó cũng giảm áp lực vốn.
Diện tích ao nuôi quá lớn sẽ khiến phát sinh nhiều chi phí khó kiểm soát ảnh hưởng giá thành nuôi, Hùng Vương kiểm soát việc này như thế nào?
Đầu tiên phải xác định chất lượng cá tra phụ thuộc vào thức ăn, nếu chúng ta nuôi thức ăn của ông A thì chất lượng cá ra màu này, nuôi của ông C thì ra màu kia… Do đó, cái quan trọng nhất là doanh nghiệp thức ăn phải tạo dòng sản phẩm có chất lượng tốt, có chi phí rẻ. Hiện nay ở Việt Nam, chưa có doanh nghiệp nào có được dòng sản phẩm khép kín như Hùng Vương. Hùng Vương có hai nhà máy thức ăn là Việt Thắng và Tân Nam. Hùng Vương xác định ngay từ đầu, chất lượng cá tra không phải từ khâu chế biến, mà là từ khâu thức ăn. Khi có chất lượng thức ăn tốt thì mới có cá tốt và ngược lại.
Bên cạnh chất lượng là giá thành. Tại sao chúng ta cứ nói doanh nghiệp có vốn FDI lại mạnh hơn doanh nghiệp trong nước, theo tôi là họ có vốn mạnh để đầu cơ nguyên liệu. Trong những lúc giá nguyên liệu xuống thấp, họ đầu cơ mua vào, còn doanh nghiệp Việt Nam có biết cũng chẳng làm được vì không có nhiều vốn. Khi thị trường nguyên liệu khan hiếm, giá thức ăn bật lên họ vẫn bán theo giá hiện tại chứ không phải theo giá nguyên liệu thời điểm mua vào. Như đã nói, chúng tôi có trong tay hai nhà máy sản xuất thức ăn, có đủ vốn để đầu cơ nguyên liệu giống như các doanh nghiệp FDI, nên có thể xác định được giá thành nuôi của cả một năm chứ không phải chỉ trong ngắn hạn. Những lúc nguyên liệu rẻ, Hùng Vương có thể nhập để bình ổn giá cả năm, vì vậy nên ở bên ngoài giá thành cá có khi 23.000 – 24.000 đồng/kg, nhưng Hùng vương nuôi chỉ có 21.000 đồng.
Trong quá trình tích luỹ kinh nghiệm nhiều năm, Hùng Vương còn đưa ra được công thức nuôi hiệu quả. Hiện nay, Hùng Vương nuôi bình quân cứ 1,5kg thức ăn ra được 1kg nguyên liệu cá, trong khi bên ngoài nuôi phải tốn 1,7 – 1,8kg thức ăn.
Ông có thể cho biết kế hoạch phát triển của Hùng Vương năm 2013 và những năm tiếp theo là gì?
Trên cơ sở tính toán nguồn nguyên liệu và thị trường sẵn có, năm 2013 Hùng Vương dự định doanh số sẽ đạt trên 13.000 tỉ đồng, tăng 40% so với năm 2012. Dự kiến lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 700 tỉ, cổ tức 25% bằng tiền mặt, 50% bằng cổ phiếu thưởng thông qua việc nâng vốn điều lệ từ 779 tỉ lên trên 1.200 tỉ đồng. Hùng Vương sẽ tiếp tục định hướng phát triển chuyên về thuỷ sản. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào nuôi trồng, nâng quy mô, công suất nhà máy bằng mở rộng đầu tư... hướng tới mục tiêu đến năm 2015 là một trong những doanh nghiệp thuỷ sản đầu tiên của Việt Nam có doanh số 1 tỉ USD, đứng hàng đầu trong ngành chế biến thuỷ sản tại khu vực Đông Nam Á.