Kinh tế cộng đồng là một hình thái kinh tế hướng tới con người và tương lai, đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người. Kinh tế cộng đồng có thể giúp con người gia tăng cảm giác tồn tại, sức sáng tạo và cảm giác hạnh phúc. Vì vậy, kinh tế cộng đồng có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Tôi mạo muội dự đoán, khi nền kinh tế Trung Quốc thuận lợi chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp, kinh tế thông tin sang nền kinh tế cộng đồng, thì nền kinh tế cộng đồng trong tương lai có thể gánh vác sứ mệnh nâng cao phúc lợi xã hội, sức mạnh tổng hợp quốc gia và sức gắn kết của dân tộc Trung Hoa.
Tốc độ phát triển của nền kinh tế cộng đồng ở Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào việc Trung Quốc có một lượng lớn các doanh nghiệp cộng đồng trong tương lai hay không. Mà sự gia tăng của doanh nghiệp cộng đồng lại phụ thuộc phần lớn vào hai nguồn sức mạnh tập thể: Thứ nhất là số lượng khổng lồ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện có. Thứ hai là sự gia tăng liên tục các công ty mới khởi nghiệp. Hiện nay Trung Quốc có hàng chục triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi năm lại có thêm một triệu công ty khởi nghiệp mới ra đời. Họ chính là nền tảng hỗ trợ kinh tế và xã hội Trung Quốc.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là lực lượng chính giải quyết vấn đề việc làm trong xã hội Trung Quốc. Hiện nay, có khoảng 80% số người lao động ở khu vực thành thị có việc làm trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nếu không đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dẫn đến hàng loạt các vấn đề xã hội. Từ năm 2015, các công ty khởi nghiệp Trung Quốc tăng mạnh. Mỗi năm có hàng triệu công ty mới ra đời, ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình. Cho nên, nếu tỉ lệ khởi nghiệp thành công thấp không được cải thiện, có khả năng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Hậu quả lớn nhất do khởi nghiệp thất bại không phải là mất tiền bạc, thời gian và sức lực, quan trọng hơn nó đánh vào niềm tin của người khởi nghiệp. Có nhiều người không đủ vững vàng không thể lấy lại sự tự tin, suy sụp suốt thời gian dài.
Hàng chục triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp tăng thêm mỗi năm ở Trung Quốc đã khiến cho môi trường khởi nghiệp trở nên rất khó khăn. Hậu quả của nó ngày càng rõ rệt. Các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên tục phải đối mặt với những thách thức sống còn, tiềm năng phát triển giảm sút, không còn đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai. Đây là một sự thật. Bất cứ ai đang trực tiếp tham gia quản lý doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp đều có cảm giác lo sợ này.
Đối mặt với thực tế khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lãnh đạo và chính quyền Trung Quốc đã rất quan tâm chú ý, nỗ lực ban hành những chính sách thay đổi cơ chế, miễn giảm thuế, hỗ trợ nguồn vốn để nâng đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty mới khởi nghiệp. Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều thay đổi về thị trường vốn. Việc mở sàn giao dịch chứng khoán thứ ba cho thấy nhà nước luôn đặt nhiệm vụ hỗ trợ và phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích khởi nghiệp ở vị trí quan trọng trong quá trình cải cách sâu rộng, phát huy vai trò điều tiết vĩ mô của chính phủ trong nền kinh tế thị trường, tích cực duy trì môi trường cho doanh nghiệp tồn tại.
Tuy nhiên, xét theo quy luật tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, các chính sách, việc làm của chính phủ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Còn yếu tố quyết định vẫn là sự sáng tạo của chính người khởi nghiệp và doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có khả năng nắm bắt nhu cầu của khách hàng, không ngừng đổi mới để tạo ra giá trị. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, việc khách hàng tin tưởng, chấp nhận sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp là chìa khoá để doanh nghiệp có thể liên tục tạo ra dòng tiền, cũng là cánh cửa mở ra sự tồn tại và phát triển của tất cả doanh nghiệp.
Phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty mới khởi nghiệp không phải không có khả năng tạo ra giá trị. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng. Các nhà khởi nghiệp tham gia vào làn sóng người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp vì họ tin rằng đã phát hiện ra nhu cầu của khách hàng và có thể cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng được nhu cầu đó. Sở dĩ các doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng về khả năng tồn tại chủ yếu là khâu chuyển đổi giá trị, tức là hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải vấn đề kết nối với khách hàng. Biểu hiện là khách hàng không biết, không hiểu, không tin tưởng sản phẩm hoặc dịch vụ, không thanh toán hoá đơn, dẫn đến doanh nghiệp không đủ vốn để duy trì, tất nhiên sẽ xuất hiện cuộc khủng hoảng.
Doanh nghiệp xuất hiện vấn đề kết nối với khách hàng là điều bình thường trong nền kinh tế công nghiệp và kinh tế thông tin. Suy cho cùng là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ và công ty khởi nghiệp không thể thoát khỏi tình trạng “3 không” - khách hàng không cảm nhận, cạnh tranh không lành mạnh, thương hiệu không có nhân cách trong kinh doanh chức năng, nên họ đồng loạt rơi vào hoàn cảnh thiếu khách hàng trung thành. Nền kinh tế cộng đồng sinh ra để giải quyết vấn đề này. Nó mở ra thời đại kinh doanh tinh thần, khuyến khích doanh nghiệp tạo ra cộng đồng khách hàng hiệu quả, thực hiện kinh doanh nhân cách hoá tức là nhân cách hoá thương hiệu và xây dựng cho thương hiệu nhóm nhân cách lôi cuốn, đồng thời kích thích lan truyền thương hiệu và định hướng thương hiệu thông qua cộng đồng khách hàng, từ đó thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ, giảm chi phí tiếp thị quảng bá thương hiệu. Doanh nghiệp cộng đồng chính là lực lượng chính của nền kinh tế cộng đồng.
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp cộng đồng cho thấy các doanh nghiệp truyền thống vừa và nhỏ của Trung Quốc đã tìm được hướng chuyển đổi kinh doanh, còn các công ty mới khởi nghiệp cũng tìm thấy hướng phát triển. Các doanh nghiệp cộng đồng phát triển dựa trên nền tảng Internet trong 20 năm qua. Hiện tại, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về Internet và công nghệ truyền thông hoàn chỉnh nhất. Tất cả doanh nghiệp truyền thống, công ty mới khởi nghiệp đều có cơ hội và quyền lợi như nhau.
Người quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà khởi nghiệp nên tìm hiểu và nắm bắt tư duy cộng đồng để biến doanh nghiệp của mình thành doanh nghiệp cộng đồng. Muốn xây dựng một doanh nghiệp cộng đồng, chúng ta phải nhận thức được đâu là sức cạnh tranh chính của doanh nghiệp cộng đồng; bắt đầu nghiên cứu nhu cầu tinh thần của người tiêu dùng, lập kế hoạch cho sản phẩm và dịch vụ của mình; bắt đầu coi nhân cách hoá thương hiệu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp: biết cách xây dựng cộng đồng khách hàng thực sự hiện quả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; biết ứng dụng hiệu quả Internet, điện toán đám mây và dữ liệu lớn; tạo được nền tảng kinh tế chia sẻ mà doanh nghiệp có kết nối sâu sắc với khách hàng.
Nền kinh tế cộng đồng của Trung Quốc cần đến hàng triệu doanh nghiệp cộng đồng để hỗ trợ hệ sinh thái kinh tế cộng đồng. Trong quá trình Trung Quốc đẩy mạnh kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và thực hiện hiện đại hoá mang bản sắc của Trung Quốc, nền kinh tế cộng đồng sẽ không ngừng thúc đẩy hàng chục triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp chuyển đổi nâng cấp mô hình kinh doanh, xây dựng cộng đồng khách hàng, tìm được không gian tồn tại và phát triển trong làn sóng kinh tế cộng đồng, cung cấp nguồn sức mạnh cho tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết vấn đề việc làm và vấn đề dân sinh.
Đó chính là sứ mệnh quan trọng của nền kinh tế cộng đồng. Chúng ta cần phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp cộng đồng để có một tương lai tốt đẹp hơn!
Lời bình của “Xích Lô”
(“Xích Lô” là bút danh thường dùng khi viết báo, viết văn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan)
Một hôm, có người bạn sách gửi tặng quyển “Tư duy cộng đồng - Communnity Thinhking”. Kèm theo bên dưới bìa sách là chủ đề “Xây dựng doanh nghiệp như một cộng đồng để phát triển bền vững và kiến tạo khách hàng trung thành”.
Từ trước tới giờ, tôi vẫn đau đáu về hai chữ “Cộng đồng” nên đọc ngay. Đây là quyển sách của tác giả Phó Nham, người Trung Quốc. Mới đầu đọc thấy hơi khó vì mình không phải là doanh nghiệp, nhưng càng đọc càng nhận ra nhiều giá trị mới.
Hình như thời đại ngày nay, những khái niệm, mô hình kinh tế được mở rộng so với kinh tế học cổ điển. Nào là kinh tế kết nối, kinh tế chia sẻ, giờ trong quyển này lại đề cập đến kinh tế cộng đồng. Rồi nào là nhu cầu sinh lý, nhu cầu tâm lý và nhu cầu tinh thần theo trật tự từ thấp đến cao. Trong kinh doanh nói riêng và trong kinh tế nói chung trước giờ ít khi đề cập đến nhu cầu tinh thần, giá trị tinh thần, quả thật là rối rắm.
Nhớ lại, cộng đồng doanh nhân người Hoa trên khắp thế giới hình như phần nhiều là thành công. Có phải đó là do tinh thần hợp tác, tư duy cộng đồng đã hình thành và trở thành triết lý sống và kinh doanh của họ? Cũng khó trả lời, vì mỗi người sẽ có cách nhìn nhận khác nhau.
Những cách tiếp cận mới dễ bị bỏ qua vì cái cũ đã bám víu vào trong tiềm thức mỗi người. Những cách tiếp cận mới thường được xây dựng, đặt nền móng trong dài hạn, trong khi chúng ta hay nhìn cái ngắn hạn, đối mặt với những khó khăn trước mắt. Những cách tiếp cận mới cần được chia sẻ ở những diễn đàn khởi nghiệp, bên cạnh kết nối công nghệ, thị trường…
|