EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam

EVFTA là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã được ký kết ngày 30/6/2019, đánh dấu mốc lịch sử cho quan hệ thương mại Việt Nam và Liên minh Châu Âu. EVFTA là một Hiệp định toàn diện thế hệ mới và là FTA đầu tiên của EU với một quốc gia có mức thu nhập trung bình như Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đặt nhiều kỳ vọng vào Hiệp định thương mại tự do với EU sẽ giúp đẩy mạnh các đơn hàng xuất khẩu thủy sản sang khu vực này và giúp các sản phẩm thủy sản của Việt Nam có sức cạnh tranh hơn. Bài viết tập trung nghiên cứu về những cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp khuyến nghị góp phần thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp này.

I. Tổng quan tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2019

1. Thế giới

Năm 2019 là năm khó khăn của ngành Thủy sản khi một số ngành hàng phải đối mặt với nhiều thách thức, đồng thời, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến ngành Nông nghiệp nói chung và các mặt hàng thủy sản nói riêng, rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản. Đây cũng là năm ghi nhận khó khăn đối với ngành hàng Cá tra. Trong đó, diện tích ương giống, nuôi thương phẩm ở một số địa phương tăng dẫn đến dư cung, kim ngạch xuất khẩu đi một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3/2019. Ả rập xê út vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, một số quốc gia lân cận đã phát triển nuôi cá tra.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, lũy kế đến hết tháng 10/2019, tổng sản lượng ước đạt 7.07 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 3.55 nghìn tấn, sản lượng khai thác đạt 3.52 nghìn tấn. Tình hình xuất khẩu thủy sản tính đến ngày 31/10/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản 10 tháng đầu năm ước đạt 7,084 tỷ USD (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 2,8 tỷ USD (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái), cá tra 1,64 tỷ USD (giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái), cá ngừ đạt 609,6 triệu USD (tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018), nhuyễn thể đạt 562,7 triệu USD (giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2018) và các loại thủy sản các đạt 1.493,7 triệu USD. (Bảng 1)

Bảng 1. Cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2019

ĐVT: triệu USDco-cau-san-pham-thuy-san-xuat-khau-10-thang-dau-nam-2019

Nguồn: Tổng cục thủy sản, 2019

Năm vừa qua, các thị trường xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc và Hồng Kông, Mỹ, EU, ASEAN và Nhật Bản chiếm thị phần lần lượt là 28% (giá trị giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018), 21,9% (+13,8%), 11,7% (-6,9%), 10,1% (+0,8%) và 8,8% (+8,9%). Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước tính cả năm 2019 đạt 8,9 triệu USD, tăng 1,4% so với năm 2018 (theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). (Xem Hình)

Hình: Thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2019

thi-truong-xuat-khau-thuy-san-viet-nam-nam-2019

 

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2019

2. Châu Âu

Thủy sản là mặt hàng có giá trị quan trọng trong trao đổi lương thực giữa Việt Nam và EU. Xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ lệ lớn trong tổng giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường các nước thành viên EU, đặc biệt là Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp và Bỉ. Hai sản phẩm chính là tôm và cá tra chiếm lần lượt 45% và 25% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam hiện nay vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách, chẳng hạn như sự cạnh tranh khốc liệt, áp dụng nghiêm ngặt các rào cản kỹ thuật đối với các biện pháp thương mại, quản lý an toàn thực phẩm và các biện pháp chống bán phá giá của các nước nhập khẩu từ EU.

Theo báo cáo của Hiệp hội VASEP về tình hình xuất khẩu thủy sản cho biết, trước khi có thẻ vàng, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ. EU luôn chiếm trên 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 năm qua. Riêng xuất khẩu hải sản các loại như cá ngừ, bạch tuột, mực, cá thu... luôn đạt kim ngạch 350 - 400 triệu USD/năm, chiếm khoảng 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam sang EU.

Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam bị EU phạt thẻ vàng IUU hồi tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu hải sản sang thị trường này đã giảm nhiều. Cụ thể năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 390 triệu USD, giảm 7% so với năm 2017. Trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hải sản sang EU đạt 251 triệu USD, giảm 0,3% so với cùng kì năm trước. Trong đó, giảm chủ yếu ở sản phẩm cá ngừ bị giảm 6,3%, mực và bạch tuộc giảm hơn 13%... Thị trường EU từ vị trí thứ 2 trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã tuột xuống vị trí thứ 5 và tỉ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%. Không những vậy, các doanh nghiệp cho biết qui trình kiểm tra thông quan đối với các lô hải sản nhập khẩu vào EU cũng trở nên gắt gao hơn, từ 7 - 10 ngày, thậm chí lên đến 20 ngày.

Hiệp định EVFTA được đánh giá là cú hích lớn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường này: gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%.

Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh (HS 03061792) được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn. (Bảng 2)

Bảng 2. Lộ trình giảm thuế các sản phẩm chính theo EVFTA

lo-trinh-giam-thue-cac-san-pham-chinh-theo-evfta

Nguồn: VASEP, 2019

II. Hội nhập EVFTA: Cơ hội và thách thức cho ngành Thủy sản Việt Nam

1. Cơ hội

Thứ nhất, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ. Với 28 nước thành viên, EU là một thị trường lớn và tiềm năng với dân số trên 500 triệu người, tổng GDP trên 15.000 tỷ USD, chiếm khoảng 22% GDP của toàn thế giới. Bình quân thu nhập tính theo đầu người của các quốc gia EU khá cao so với thế giới, lại thích dùng các sản phẩm thủy sản trong nhu cầu ăn uống và bảo vệ sức khỏe do tính ưu việt của sản phẩm này là ngon, bổ. Hằng năm, nhu cầu thủy sản của EU đã đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34 kg/người so với mức trung bình của thế giới.

Những năm gần đây, do nguồn lợi thủy sản của EU đã nằm dưới giới hạn an toàn sinh học, buộc EU phải áp dụng biện pháp hạn chế khai thác và đánh bắt thủy sản trong khi nhu cầu tiêu dùng thủy sản của EU vẫn tăng nhanh. Do vậy, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn có thể khẳng định, với Việt Nam, EU vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản tiềm năng lớn nếu sản phẩm thủy sản Việt Nam đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng, cũng như chủng loại từ thị trường EU.

Thứ hai, nếu FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết, mức cắt giảm thuế về 0% tương ứng với 90% số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này. EU hiện đang là thị trường tương đối mở với các mức thuế suất thấp đối với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, mức thuế trung bình mà Việt Nam phải chịu từ EU là 4,1%. Nhưng thực tế, theo tỉ trọng thương mại giữa các nhóm sản phẩm, Việt Nam đang phải chịu mức thuế trung bình vào EU lên tới 7%, riêng mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế lên đến 10,8%. Việc xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, trong đó có mặt hàng thủy sản, sẽ tạo lợi thế quan trọng cho Việt Nam khi cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường EU.

Thứ ba, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi xét từ góc độ nhập khẩu. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa chiến lược của EU vào Việt Nam sẽ giúp nâng cao kỹ thuật ngành Công nghiệp và từ đó đẩy mạnh hiệu quả sản xuất và xuất khẩu. Điều này sẽ giúp Việt Nam có được những sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp hơn và có nhiều lựa chọn hơn đối với các nhà cung cấp, trong đó có ngành Thủy sản.

Thứ tư, quan hệ giữa Việt Nam với EU, cũng như giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp EU, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, ngày càng tốt đẹp. FTA Việt Nam - EU được ký kết nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho sự trao đổi hàng hóa giữa hai bên. Trong điều kiện đó, các hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng luôn được chú ý và tạo điều kiện.

Thứ năm, Việt Nam đã, đang và sẽ có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp cụ thể để hỗ trợ và ưu đãi cho các mặt hàng xuất khẩu, nhất là nông-lâm-thủy hải sản, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng này, duy trì và phát triển thị phần, trong đó các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU là một trong những mặt hàng được ưu đãi.

Từ những nhận định trên có thể khẳng định, Hiệp định EVFTA sẽ tạo cơ hội đối với xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội trên, thủy sản Việt Nam phải chịu nhiều thách thức cam go khi thâm nhập thị trường EU, trong đó đặc biệt là rào cản kỹ thuật thương mại sẽ đề cập sau đây.

2. Thách thức

Một là, EU chủ yếu gồm các quốc gia phát triển có mức sống cao, nhu cầu tiêu dùng, trong đó đặc biệt là thực phẩm, đang thay đổi mạnh. Hiện tại, ngành Thủy sản Việt Nam đã đáp ứng khá tốt các yêu cầu về rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), quy định về vệ sinh dịch tễ và kiểm định vệ sinh động thực vật (SPS) của EU. Tuy nhiên, trong tương lai, EU có thể áp dụng các quy định TBT và SPS mới đối với nguyên liệu thô hoặc các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Vì vậy, muốn xuất khẩu vào EU, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải đáp ứng những yêu cầu mới đó.

Hai là, hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt và khốc liệt hơn với hàng thủy sản tại chỗ của các nước mới gia nhập EU và các hàng thủy sản của các công ty xuất khẩu thủy sản mạnh và nhiều kinh nghiệm ngoài EU trong việc xuất khẩu, tìm chỗ đứng và duy trì thị phần tại EU.

Ba là, những đòi hỏi khắt khe về quy tắc xuất xứ, vấn đề bán phá giá, trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại cũng là trở ngại lớn đặt ra cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường EU. Một hệ thống quy tắc xuất xứ đơn giản, linh hoạt, phù hợp với tình hình Việt Nam và cho phép Việt Nam được hưởng các lợi ích chính đáng từ EVFTA sẽ là điều kiện tiên quyết cần đảm bảo. Yêu cầu này là hoàn toàn hợp lí đứng từ góc độ lợi ích (lợi ích lớn nhất có được từ việc ký kết EVFTA là việc EU cắt giảm thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam). Vì vậy, việc chứng minh về nguồn gốc hợp pháp của thủy sản là một thách thức đối với ngành này.

Bốn là, ảnh hưởng xấu từ khủng hoảng nợ công của các nước EU đến nhiều nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu thủy sản ở thị trường EU. Thực trạng này đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của các nước sang EU, trong đó có Việt Nam.

Năm là, đối với thủy sản, EU vừa ban hành “Thẻ vàng” - cảnh báo việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU, tạo ra môi trường phức tạp hơn khi hai bên đang đẩy mạnh hợp tác thương mại - đầu tư. Hiện, EU tăng cường kiểm soát đối với thủy sản (100% các lô hàng thủy sản) và các nông sản khác xuất khẩu sang thị trường EU. Việc này đã tạo ra những rào cản khó khăn trong việc tận dụng cơ hội từ EVFTA.

3. Một số giải pháp và kiến nghị

Bên cạnh việc tạo ra những cơ hội và thách thức, Hiệp định EVFTA cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe cần thực hiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trong đó, cách tiếp cận và thực hiện phải hướng tới phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội - môi trường, không đánh đổi về môi trường để lấy kinh tế.

Thứ nhất, đòi hỏi các cấp từ hoạch định chính sách đến các doanh nghiệp, các chính quyền địa phương và cả các cá nhân tham gia hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy sản phải thay đổi nhận thức. Các doanh nghiệp đã bước vào một sân chơi khác, rộng hơn, có tính cạnh tranh hơn; do đó muốn tồn tại, các doanh nghiệp cần phải có suy nghĩ khác và nâng cao ý thức, trách nhiệm, công nghệ cho người nuôi khi sử dụng hóa chất trong ngưỡng an toàn, đây cũng là gốc của việc xuất khẩu đối với chuỗi giá trị thủy sản.

Thứ hai, phải xác định, Hiệp định EVFTA là tiến đến một sân chơi chung với các nước khác, nên Nhà nước và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần phải có những đổi mới và cải cách toàn diện, căn bản để thích ứng từ khâu sản xuất đến kinh doanh, từ mẫu mã đến tiếp thị sản phẩm, từ cung cách quản lý đến đáp ứng tiêu chuẩn chung của thị trường.

Thứ ba, Hiệp đinh EVFTA cũng đồng nghĩa với việc tham gia vào cuộc cạnh tranh liên tục, lâu dài và ngày càng khốc liệt. Do đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các hàng hóa và doanh nghiệp để tồn tại và phát triển phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, liên tục và căn bản của mọi ngành, mọi cấp. Tuy vậy, trong cuộc cạnh tranh đó, muốn tồn tại, các doanh nghiệp thủy sản phải biết hợp tác chặt chẽ dưới sự điều hành của Nhà nước vì một mục tiêu chung.

Thứ tư, chính sách hỗ trợ sản xuất và thương mại nông sản: tiếp tục rà soát, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ sản xuất và thúc đẩy thương mại trong nông-lâm nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, tin cậy về thị trường trong nước và thị trường EU để doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn trong chiến lược kinh doanh. Nhà nước đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận công nghệ và thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất chế biến và kiểm soát chất lượng cho thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU.

EVFTA là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Việc đàm phán và kết thúc Hiệp định phù hợp với chủ trương tăng cường quan hệ nhiều mặt, đặc biệt là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. Những phát triển tích cực trong quan hệ thương mại, đầu tư song phương trong khoảng hai thập kỷ qua đã đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu và là một trong số các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Đây là cơ sở vững chắc để khẳng định tiềm năng phát triển hơn nữa thương mại, đầu tư và hợp tác giữa hai bên sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

(Theo TCCT)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM