Một số bất cập của chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội

(vasep.com.vn) Chiều ngày 14/10/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị người sử dụng lao động quốc gia 2019 đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi tại Hà Nội.

Tại hội nghị này, ông Chu Văn An - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú (MINH PHU SEAFOOD Corp) đã có bài phân tích về những nội dung của Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, nếu được thông qua, sẽ ảnh hưởng trực tiếp như thế nào tới các DN có sử dụng nhiều lao động như ngành thủy sản.

Ban biên tập Bản tin TMTS xin đăng nguyên văn bài phát biểu này.

----------------

Minh Phú là một Tập đoàn Thủy sản có khoảng 15 ngàn lao động hoạt động theo chuỗi giá trị khép kín. Hiện Minh Phú có 14 Công ty thành viên hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm, chuỗi cung ứng và chế biến xuất khẩu. Hàng chục năm nay Minh Phú luôn đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Năm 2018, Minh Phú xuất khẩu được 750,6 triệu USD. Thị trường xuất khẩu của Minh Phú trên 50 nước và vùng lãnh thổ. Minh Phú đang xây dựng chuỗi giá trị tôm toàn cầu và đưa kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD vào các năm tới. Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp một số khó khăn ngoài các rào cản kỹ thuật còn có các rào cản về Chính sách An sinh Xã hội. Việc này hầu hết liên quan đến quy định của Bộ Luật lao động.

Hiện nay để bán được sản phẩm thủy sản qua chế biến ra thị trường nước ngoài, ngoài các điều kiện về nhà xưởng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… các Doanh nghiệp còn phải đảm bảo các chính sách về trách nhiệm Xã hội. Khách hàng nước ngoài khi mua hàng họ sẽ thuê bên thứ 3 để đánh giá an sinh xã hội (ASXH) của doanh nghiệp. Đánh giá ASXH là đánh giá sự tuân thủ luật Lao Động của Việt nam đối với doanh nghiệp. Hàng năm Minh Phú phải bị đánh giá trên 10 tiêu chuẩn ASXH của các khách hàng khác nhau. Tiêu chuẩn ASXH được duy trì 01 năm, và trong năm đó có đột suất thẩm tra, nếu vi phạm sẽ không mua hàng và phải chờ năm sau đánh giá lại. Vì vậy nếu pháp luật Lao động không phù hợp thì Doanh nghiệp lãnh đủ thiệt hại.

1. Vấn đề làm thêm giờ

Chúng tôi hiểu rằng, chủ trương tăng thu nhập giảm giờ làm là mong muốn của cả loài người. Nhiều nước giàu trên thế giới cũng đang áp dụng. Tuy nhiên nước ta còn đang là nước nghèo. Theo tạp chí Tài Chính Thế giới (Global Finance) ra bảng xếp hạng các nước giàu nhất thế giới năm 2019.Theo bảng này, Việt Nam xếp thứ 128 trong 192 nước. Vì vậy mỗi người chúng ta phải tích cực lao động sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất để đất nước ta từng bước trở thành một nước giàu. Lúc đó, chính chúng tôi và các quý vị ngồi đây cũng sẽ mong muốn giảm giờ làm mà thôi.

Hiện nay luật Lao động quy định thời gian làm thêm giờ như sau, tại Điểm b, khoảng 2 điều 106 Luật lao động 2012 nêu: “Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm”. Trong thực tế, doanh nghiệp rất cần làm thêm giờ khi:

Thứ nhất: Ngành tôm, cá nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung đều có tính chất thời vụ. Vào vụ thu hoạch tôm, cá hoặc các nông sản khác người nông dân mang rất nhiều về các nhà máy để bán. Trong những ngày này, nếu các nhà máy nhận hết sản phẩm của nông dân làm ra để chế biến thì sẽ vi phạm giờ làm thêm trong ngày, trong tháng dẫn đến bị lỗi. Nếu DN chỉ mua đủ số lượng sản phẩm  của Nông dân mang lại còn bao nhiêu trả về vì quy định của luật làm thêm giờ thì hậu quả kinh tế xã hội sẽ ra sao? Chỉ cần vi phạm thêm 01 giờ trong một tháng thôi là bị lỗi nặng. Khách sẽ không mua hàng. Chờ đến đợt đánh giá tiếp mà khắc phục được thì mới mua hàng. Trong khi phí mỗi lần đánh giá không dưới 3.000 USD. Việc làm thêm giờ để giải quyết hết những sản phẩm của nông dân làm ra lại vi phạm luật. Trong khi đó Nghị quyết 26 Hội nghị TW7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tư tưởng chỉ đạo là phải lấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ hai: Nếu sản xuất để giao hàng đúng hẹn cho khách hàng, thì phải tăng ca làm việc dẫn đến vi phạm thời gian làm thêm. Nói thật, doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà với làm thêm giờ vì phải chi trả ít nhất 150% cho làm thêm giờ bình thường, 200% cho làm thêm giờ vào ban đêm; 300% làm thêm giờ cho những ngày Lễ và 200% làm thêm vào ngày nghỉ. Làm thêm giờ phải trả lương thêm mà DN không thể bán giá cao được. Qua thực tế hàng chục năm nay, ngành tôm chỉ nhiều nguyên liệu nhất từ 3-5 tháng thì cần làm thêm giờ. Còn các tháng khác làm không đến 8 giờ thậm chí chỉ làm khoảng 5 giờ đã hết nguyên liệu. Minh Phú hiện có 04 nhà máy chế biến tôm, để chạy hết công suất Minh Phú cần 20 ngàn lao động. Mặc dù thu nhập cao, và có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng Minh Phú chỉ tuyển được khoảng 13.000 lao động. Thiếu khoảng 35% năng lực sản xuất.

Vì những lý do trên, chúng tôi đề nghị Chính Phủ trình Quốc Hội sửa lại quy định làm thêm giờ theo hướng như sau: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày và không quá 500 giờ trong 01 năm (bỏ quy định giàng buộc giờ làm thêm theo “tháng”).

Vì trong thực tế, người lao động làm việc bình quân 10 giờ/ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như năng suất lao động. Do đặc thù phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu trong mùa vụ, không phài ngày nào cũng có nguyên liệu mà làm 10 tiếng/ngày. Hơn nữa chủ doanh nghiệp cũng phải cân đối việc làm hàng ngày để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động mới đảm bảo được năng suất, chất lượng.Từ đó doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Mặt khác, người lao động họ cũng có nhu cầu làm thêm giờ để nhận lương thêm trang trải cuộc sống.

Trong thực tế, công nhân làm tại nhà máy của chúng tôi từ 8-12 giờ/ngày, lại tiếp tục đi làm thêm thời vụ tại các Công ty khác cùng ngành thêm vài giờ nữa để kiếm thêm 3-5 triệu /tháng. Nên tổng thu nhập của họ lên đến 12-14 triệu/tháng. Kết quả hôm sau đến DN chúng tôi làm thì buồn ngủ, trốn việc….(số này khoảng trên 30%). Như vậy là nhu cầu làm thêm giờ để có thêm thu nhập là có. Tuy nhiên nếu làm thêm giờ tại DN chúng tôi thì chúng tôi phải cân nhắc cho họ vừa có thu nhập, vừa có sức khỏe để làm lâu dài.

2. Một số bất cập của Bộ Luật Lao động ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh

Tiêu chuẩn của khách hàng rất khó nhưng doanh nghiệp vẫn vượt qua được. Còn có một số quy định của Bộ Luật lao động của chúng ta thì doanh nghiệp rất khó thực hiện cho đúng. Chúng tôi thường hay nói với nhau là “mình tự trói mình”. Xin được nêu ví dụ cụ thể:

(1) Tại thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ở điều 5 khoản 1 quy định:  “Người lao động được hưởng lương tháng được trả một lần ngay trong tháng mà người lao động làm việc”. Thực tế DN trả lương sản phẩm thì hết tháng các bộ phận thống kê gửi số liệu cho kế toán tiền lương, với năng suất từng người cho một đơn vị 6000-7000 lao động phải mất từ 5-7 ngày, rồi làm thủ tục chuyển khoản qua ngân hàng… Khi đánh giá ASXH doanh nghiệp bị lỗi nặng (lỗi chi trả) và cũng phải một năm sau mới bán được hàng cho khách hàng hoặc siêu thị đó.

Đề nghị sửa lại là: “Người lao động hưởng lương tháng được trả một lần trong tháng đối với lương cố định và không quá 45 ngày đối với lương khoán sản phẩm”.

(2) Thanh toán chế độ cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động tại khoản 2, điều 47, Bộ Luật Lao động năm 2012: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày”.

Trong thực tế các DN CBTS có chu kỳ trả lương sản phẩn thường từ 10-15 hàng tháng. Trường hợp công nhân nghỉ việc vào ngày 1-10 trong tháng thì kể cả trường hợp đặc biệt kéo dài 30 ngày cũng bị lỗi vì trong thời gian nghỉ từ ngày 7 đến ngày 30 chưa thể tính được năng suất thực tế của người nghỉ đó mà trả lương. (lỗi nặng)

Đề nghị sửa là: “Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 45 ngày”.

(3) Chăm sóc sức khỏe cho người lao động

Tại khoản 2 Điều 152, Bộ luật lao động năm 2012: “Hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề; lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần”.  

Hiện nay, việc khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng lần đối với ngành chế biến thủy sản gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vừa tốn kém thời gian, tốn kém tiền bạc (mỗi người khám sức khỏe mất khoảng 30 phút x 13.000 x 2 = 13.000 giờ/năm. Một lần khám sức khỏe định kỳ theo quy định khoảng từ 150-200 ngàn đồng, DN chúng tôi chi phí khoảng 5 – 6 tỷ đồng trong một năm.

Đề nghị đối với ngành chế biến thủy sản đề nghị khám sức khỏe 01 lần/năm trừ người lao động làm việc tại các khu vực sản xuất chế biến thực phẩm ăn liền là 6 tháng/lần.

(4)  Đề nghị bỏ một số quy định không cần thiết

4.1. Tại khoản 5 điều 155 Bộ Luật lao động năm 2012: Lao động nữ trong thời gian hành kinh, được nghỉ mỗi ngày 30 phút, được hưởng nguyên lương. Doanh nghiệp rất khó thực hiện vì không xác định được thời gian phải cho người lao động nghỉ và nghỉ trong bao nhiêu ngày Luật không quy định.

4.2. Tại khoản 4 điều 154 Bộ luật lao động năm 2012: Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ. Luật chưa quy định cụ thể mức hỗ trợ kể cả thời gian phải hỗ trợ; Vấn đề này chúng ta vô tình tạo ra cơ hội cho khách hàng bắt lỗi doanh nghiệp khi đánh giá trách nhiệm Xã hội tại nhà máy.

4.3 Tại khoản 3 điều 108 Bộ luật lao động 2012: Ngoài thời gian quy định nghỉ giữa ca làm việc, vệ sinh cá nhân. Người sử dụng lao động phải quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động. Thực tế trong ca làm việc thường doanh nghiệp không quy định cố định thời gian vệ sinh cá nhân cho người lao động mà chỉ giải quyết theo nhu cầu tự nhiên, thời gian này cũng có thể được tính thời gian nghỉ ngơi của người lao động, không nhất thiết phải quy định nghỉ ngơi đồng loạt điều này doanh nghiệp rất khó thực hiện nó ảnh hưởng rất lớn dây chuyền sản xuất thiết bị phải hoạt động không có sản phẩm vì cho lao động nghỉ ngơi giữa chừng.

4.4. Điều 29 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định

1. Người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

2. Khi hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, mà thời hiệu xử lý kỷ luật đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, nếu các đối tượng lao động là cha đẻ, cha nuôi hợp pháp vi phạm các hành vi như: trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động…tại thời điểm con nhỏ mới tròn 01 tháng tuổi thì người sử dụng lao động phải chờ hơn 11 tháng sau mới được xử lý kỷ luật  hoặc không được phép xử kỷ luật luôn nếu thời hiệu xử lý kỷ luật đã hết. Quy định này sẽ tạo cơ hội cho người lao động vi phạm.

5. Tham gia bảo hiểm cho người lao động

Điều 22, Bộ luật lao động 2012 quy định đang gây bất cập cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong việc sử dụng lao động phổ thông. Theo quy định thì sau thời gian thử việc 06 ngày đối với đối tượng này, thì người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12-36 tháng và phải tham gia các bảo hiểm bắt buộc cho người lao động. Tuy nhiên trong thực tế, lao động này thường bỏ việc trong thời gian dưới 3 tháng đầu khi vào làm việc vì chưa quen môi trường làm việc, nên gây thiệt hại cho doanh nghiệp phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để tham gia mua các bảo hiểm bắt buộc cho người lao động. Nhưng, người lao động bỏ việc ngang nhiên không hưởng được chế độ, về phía doanh nghiệp cũng chẳng có lao động để sử dụng.

Đề nghị Chính phủ quy định cho phù hợp: Tất cả lao động phổ thông khi vào làm cho doanh nghiệp thời gian ổn định đủ 3 tháng, thì chủ doanh nghiệp phải tham gia các bảo hiểm bắt buộc cho người lao động hoặc nếu quy định như cũ thì thời gian người  lao động nghỉ việc dưới 3 tháng thì cơ quan BHXH phải chi trả số tiền mà DN đã đóng 32%  để DN lấy lao động khác vào thực hiện tiếp theo quy định. 

6. Về việc tăng lương tối thiểu vùng: Doanh nghiệp hiện đã trả lương cao hơn mức tối thiểu vùng. Hiện DN chúng tôi đang trả bình quân 7-8 triệu đồng người/tháng cao hơn lương tối thiểu vùng rất nhiều. Tăng lương tối thiểu vùng chỉ làm cho DN tăng chi phí đóng BHXH và phí Công đoàn.

Đối chiếu với các Công ty chế biến chúng tôi có 13.000 lao động thấy rằng:

Năm 2017: quỹ lương đóng BHXH là 514.425.200.132đ. Trích 32% là 164.616.064.043đ. Phí CĐ là 10.288.504.002đ ( trích về CĐ 33% là 3.395.206.320đ

Năm 2018: lương tối thiểu vùng tăng 6,5%. quỹ lương đóng BHXH là 578.352.756.865đ ( hơn 2017 là 63.929.556.733đ), chúng tôi trích đóng 32% BHXH, BHYT, BHTN là 185.072.882.196đ ( tăng so với 2017 là 20.456.818.153đ). Phí CĐ là 11.567.055.137đ (Trích về CĐ cấp trên 31% là 3.585.787.092đ (tăng so với năm 2017 là 190.580.772đ)

Chúng tôi xin thưa với các quý vị rằng:

- Hiện nay chủ DN luôn phải chăm lo cho người lao động có tinh thần thoải mái, vui tươi và có sức khỏe tốt để năng suất, chất lượng hàng hóa ngày một cao hơn để giảm giá thành mới cạnh tranh được trên thương trường hiện tại rất khốc liệt.

- Chủ DN phải có những chính sách lương, thưởng và đặc biệt phải có chính sách ASXH tốt thì người lao động mới gắn bó với DN lâu dài. Hiện tại lao động đang rất thiếu và cạnh tranh giữa các DN và các ngành nghề rất khốc liệt, nên DN không quan tâm đến người lao động thì sẽ không có lao động dể sản xuất kinh doanh, dễ dẫn đến phá sản

Trên đây là những bất cập mà trong quá trình quản lý điều hành tại DN chúng tôi thấy được. Chúng tôi rất mong các cấp lãnh đạo Bộ LĐTB&XH và VCCI xem xét đề nghị Chính phủ và Quốc hội sớm sửa đổi một số điểm nêu trên tạo điều kiện cho DN hoạt động và phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Thay cho lời kết, tôi xin đưa nguyên văn đoạn phát biểu của người đàn bà thép Nguyên thủ tướng nước Anh Thatcher:

Bạn không thể giúp kẻ yếu trở nên vững mạnh bằng cách tàn phá kẻ mạnh.

Bạn không thể giúp những người nhỏ bằng việc chia cắt kẻ lớn.

Bạn không thể giúp người làm công ăn lương bằng cách tiêu diệt người trả lương.

Bạn không thể nuôi dưỡng tình bằng hữu khi khuyến khích lòng hận thù giai cấp.

Bạn không thể giúp người nghèo bằng cách triệt hạ người giàu…

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM