(vasep.com.vn) Đúng như dự báo, quý I/2014, XK tôm Việt Nam duy trì tăng trưởng cao nhờ sự gia tăng sản xuất và XK tôm chân trắng sau khi đạt kết quả khả quan năm 2013, góp phần đưa tổng XK thủy sản lên 1,65 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng 212% so với cùng kỳ, tôm chân trắng đã chiếm tới 60% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam, trong khi XK tôm sú tăng 13% và chiếm 32%. Với gần 800 triệu USD giá trị XK trong quý I, chiếm 48% tổng XK thủy sản, mặt hàng tôm đã bù đắp cho sự sụt giảm sâu và liên tục của các mặt hàng hải sản như cá ngừ (-26%), nhuyễn thể hai mảnh vỏ (- 13%), trong khi XK cá tra và mực bạch tuộc chưa có dấu hiệu hồi phục lạc quan (chỉ tăng 5% và 5,7%)
Cũng nhờ mặt hàng tôm, XK sang tất cả các thị trường đều tăng trưởng khả quan (11 - 74%). Thuế CBPG tôm, cá tra DOC Hoa Kỳ mới công bố và Luật Nông trại 2014 được thông qua, chưa ảnh hưởng đến kết quả XK trong quý I, nên thị trường này vẫn đạt tăng trưởng cao nhất NK thủy sản Việt Nam, trong đó XK tôm tăng mạnh nhất trên 200%, cá tra tăng 16%, trong khi cá ngừ giảm trên 32%.
Nhu cầu NK thủy sản của EU cũng hồi phục trong quý I, do vậy XK của Việt Nam sang thị trường này cũng tăng 19%, trong khi XK sang Nhật Bản tăng 10% mặc dù thị trường này giảm nhu cầu NK.
Tôm Việt Nam vẫn có lợi thế về giá và nguồn cung trên các thị trường chính, trong khi cá ngừ bị thu hẹp thị phần vì thiếu nguyên liệu cho phân khúc sản phẩm giá cao như sashimi. Trong khi đó, phân khúc sản phẩm cá ngừ chế biến năm nay bị áp lực cạnh tranh với những nguồn cung cấp khác. XK cá ngừ tươi/đông lạnh quý I tiếp tục giảm 33%, XK cá ngừ chế biến giảm 12%.
Với thực trạng sản xuất và XK hiện nay, Việt Nam đã và sẽ có những cơ hội gì để phát huy những mặt hàng thế mạnh như tôm, cá tra và giành lại thị phần và khả năng cạnh tranh cho mặt hàng cá ngừ và hải sản khác?
Cùng với các dữ liệu thống kê chi tiết về từng mặt hàng XK sang từng thị trường trong quý I, cuốn “Báo cáo Xuất khẩu thủy sản Việt Nam quý I” dành một dung lượng lớn cho phần cập nhật thống kê NK thủy sản của từng thị trường trọng điểm và tiềm năng, phân tích xu hướng NK, giá NK, thị phần của các nguồn cung cấp chính, trong đó có Việt Nam, vị thế và cơ hội của thủy sản Việt nam tại các thị trường này.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu cụ thể của các nhà XK, Báo cáo còn dành ra 8 trang cho một chuyên đề đặc biệt “Thị trường cá ngừ Đức”, cung cấp số liệu và nhận định về tình hình XK cá ngừ sang thị trường Đức, xu hướng tiêu thụ và NK, giá NK, các kênh phân phối và khả năng cạnh tranh, cơ hội và thách thức của Việt Nam tại thị trường Đức. Những chuyên đề cụ thể về sản phẩm – thị trường sẽ tiếp tục được đưa vào các báo cáo quý tiếp theo.
Liên hệ đăng ký đặt mua báo cáo tại đây.