(vasep.com.vn) Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến ngày 15/11/2014, XK thủy sản của Việt Nam đạt gần 7 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà tăng trưởng như hiện nay, dự đoán XK thủy sản cả năm 2014 sẽ đạt khoảng 7,8 – 7,9 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2013. Năm 2014, thủy sản Việt Nam đã có và nắm bắt được một số cơ hội thuận lợi, tranh thủ đẩy mạnh sản xuất và XK. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức từ nội tại và thị trường nước ngoài ngày càng nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng thủy sản, nhất là các DN chế biến và XK.
Cơ hội:
- Diện tích và sản lượng tôm nuôi tăng mạnh trong những tháng đầu năm, diện tích tôm bị dịch bệnh giảm so với năm 2013, trong khi sản lượng của các nước cạnh tranh như Thái Lan tiếp tục giảm 50% và Trung Quốc chưa hồi phục. Mô hình nuôi tôm cùng cá rô phi để phòng ngừa dịch bệnh EMS đang được đánh giá cao, hy vọng sẽ được nhân rộng cho ngành nuôi tôm.
- Ngành tôm Thái Lan gặp nhiều khó khăn như sản lượng giảm mạnh do ảnh hưởng của EMS (Hội chứng tôm chết sớm), EU cắt giảm ưu đãi thuế quan cho mặt hàng tôm chín của nước này trong năm nay và năm tới là tôm nguyên liệu, và gần đây nhất là thông tin về việc sử dụng lao động bất hợp pháp trong ngành thủy sản của nước này. Đây là cơ hội tốt Việt Nam đã và sẽ tận dụng để đẩy mạnh XK sang thị trường EU và Mỹ.
- Giá trung bình tôm Việt Nam luôn cao hơn Ấn Độ do sản phẩm chế biến sâu hơn và tốt hơn, trong khi Ấn Độ thường sản xuất sản phẩm tôm đông lạnh dạng block.
- Hoạt động khai thác thuận lợi nhờ thời tiết và nhờ việc triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản và hỗ trợ ngư dân sản xuất tại các vùng biển xa. Do vậy, XK mực, bạch tuộc, cua ghẹ và các loại cá biển khác đều tăng trong 9 tháng đầu năm nay.
- Lệnh cấm NK của Nga đối với thủy sản EU, Mỹ, Na Uy, Australia và Nhật Bản là cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam thâm nhập trở lại thị trường này, nhất là mặt hàng cá tra. Từ đầu tháng 8/2014 đến tháng 9/2014, đã có 26 DN Việt Nam được phép XK vào thị trường Nga, sau khi bị tạm ngừng XK từ 31/1/2014. Nga là thị trường đứng thứ 7 trên thế giới về khối lượng thủy sản NK với trên 1 triệu tấn năm 2013 trị giá trên 3 tỷ USD. 9 tháng đầu năm nay, Nga NK 440 nghìn tấn thủy sản, trị giá 1,4 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tương đương về khối lượng nhưng tăng 2,5% về giá trị, do NK 2 mặt hàng có giá cao là tôm và mực bạch tuộc tăng mạnh.
Khó khăn, thách thức:
- Thuế chống bán phá giá tôm trong đợt xem xét hành chính POR8 ở mức cao nhất từ trước đến nay, ảnh hưởng mạnh đến DN XK tôm và giá tôm nguyên liệu trong nước. Theo POR 8 thì 30/32 DN XK tôm Việt Nam sang Mỹ chịu thuế CBPG là 6,37%. Hai DN còn lại là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98% và Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75%. Cách tính thuế bất hợp lý của Mỹ dẫn đến mức thuế cao như vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh mặt hàng tôm của Việt Nam tại Mỹ, ảnh hưởng về việc cân bằng tài chính của các DN.
- Thuế chống bán phá giá cá tra POR10: Trong đợt xem xét hành chính này, mức thuế đối với các DN XK cá tra của Việt Nam sang Mỹ nói chung vẫn thiếu hợp lý khi DOC tiếp tục sử dụng Indonesia làm quốc gia thay thế trong quá trình tính toán biên độ phá giá, vì Indonesia có tổng thu nhập cao gấp đôi, GDP cao gấp 4 lần VN.
- Chi phí cho hoạt động XK gia tăng, tạo gánh nặng và áp lực lớn cho DN: Theo phản ánh của các DN, có hàng chục phụ phí các loại đang đổ lên vai nhà XK như: Phí dịch vụ container (THC), phí mất cân đối container (CIC), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí đặt cược container (đối với hàng đông lạnh), phí tắc nghẽn cảng (PCS)... Ngoài ra, chủ hàng còn phải đóng thêm các loại phí khác như phí thủ tục, phí hóa đơn, phí lưu kho bãi, phí cầu đường, phí giao hàng lẻ theo container.... một số loại phí là do các cảng thu nhưng thực tế các chủ tàu thu trực tiếp từ DN rồi nộp cho cảng (VD: phí THC) nhưng với mức thu cao hơn nhiều so với mức nộp để hưởng chênh lệch
Theo tính toán của các DN, so với 2013, năm nay các loại phí này tăng 20-30% khiến lợi nhuận của DN giảm mạnh. Chưa kể, trong những năm gần đây, giá cước vận tải biển tại Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines... từ 10–15%/cont 20”, đang làm mất đi khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam XK.
- Hoạt động XNK bị ảnh hưởng do tắc nghẽn tại các cảng bốc dỡ. Cơ sở hạ tầng cảng biển, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được tình hình thực tế và chỉ xảy ra tại thời điểm này do ảnh hưởng của việc siết chặt trọng tải và việc sự cố khi triển khai áp dụng khai hải quan điện tử VNACCS (lỗi do hệ thống, DN không mở được tờ khai phải chờ TCHQ giải quyết, khâu kiểm hóa chậm...), khiến cho tiến độ xuất- nhập hàng của DN bị chậm đi. Hàng về cảng chậm, bến bãi không đủ mà phí lưu kho tăng cao.
- Khó khăn liên quan đến thuế - phí và hải quan: Từ 2013 tới nay, trong quá trình sản xuất kinh doanh, các DN thủy sản gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn trong các vấn đề liên quan đến Thuế - Phí và Hải quan: khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Thông tư 128/2013/TT-BTC (thủ tục nộp, tiếp nhận và xử lý hồ sơ xét hoàn thuế, không thu thuế; sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan; về Chứng từ thanh toán qua ngân hàng trong Hồ sơ xét hoàn thuế, không thu thuế; thuế GTGT & NK đối với hàng XK trả về; quy định “60 ngày” cho việc nộp hồ sơ thanh khoản cho tờ khai XK cuối cùng ....); trong thực hiện Thông tư 219/2013/TT-BTC về hướng dẫn thuế GTGT (về đối tượng không chịu thuế GTGT, nộp thuế đối với hàng XK bị trả về; việc định nghĩa và xác định hàng thủy sản sơ chế/tinh chế; các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT; về thủ tục hoàn thuế GTGT phải kèm báo cáo tồn kho ....); Khó khăn trong việc xác định trị giá HQ đối với hàng hóa XK, NK: Quy định tại Danh mục rủi ro hàng hóa XK, NK của TCHQ. 
- Thuế nhập khẩu áp dụng cho 1 số nhóm thủy sản có giá trị thương mại cao (tôm, cá ngừ, mực-bạch tuộc...), đang được các DN NK chủ yếu cho sản xuất XK;
- Dịch bệnh EMS thực sự vẫn là nỗi lo lớn cho người nuôi tôm và DN: Dù người nuôi tôm và DN đã biết cách phòng tránh dịch bệnh EMS nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được. Nhiều hộ nuôi và DN thua lỗ, phá sản vì dịch bệnh này.
- Rào cản kỹ thuật: Quy định kiểm tra OTC đối với 100% tôm NK từ Việt Nam vào thị trường Nhật Bản gây khó khăn cho DN tôm, làm giảm sức cạnh tranh trước đối thủ là Ấn Độ và Indonesia.
- Chính sách hỗ trợ tín dụng chưa hiệu quả: Mặc dù Chính phủ có chủ trương cho giãn nợ cho người nuôi thủy sản theo công văn 1149/TTg về chính sách hỗ trợ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hoặc Quyết định số 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng với người nuôi tôm và cá tra, nhưng thực tế chưa áp dụng với người nuôi tôm.
- Gánh nặng tiêu chuẩn đối với sản phẩm XK: Thị trường ngày càng xuất hiện nhiều tiêu chuẩn gây tốn kém cho DN, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Nhu cầu đối với sản phẩm thủy sản sản xuất và khai thác bền vững ngày càng cao. Đây sẽ là những thách thức lâu dài của ngành thủy sản.
Xin mời truy cập và đăng ký Báo cáo Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để có thông tin, dữ liệu cập nhật và đầy đủ hơn về tình hình XK thủy sản của Việt Nam.

Báo cáo khác

Ms. Nguyễn Trang
Email: nguyentrang@vasep.com.vn
Tel: (+84-24) 37715055 - ext. 212
Fax: (+84 24) 37715084
Phone: (+84) 906 151 556